Nên và không nên làm gì khi chứng kiến một cơn động kinh?

(3.79) - 32 đánh giá

Phải làm gì và không nên làm gì khi chứng kiến một cơn động kinh? Những nỗ lực giúp đỡ sai cách của bạn có thể gây tổn hại đến người bệnh. Vì vậy, để thực sự giúp ai đó khi họ lên cơn động kinh, bạn hãy tìm hiểu một vài quy tắc cơ bản.

Nỗi sợ hãi hàng đầu đối với người mắc bệnh động kinh không hẳn là việc bị lên cơn co giật mà đôi khi lại là những người xung quanh. Nhiều người hiểu sai hoặc chưa hiểu rõ về chứng động kinh nên có những hành động vô tình làm người bệnh bị thương, thậm chí thiệt mạng vì sự thiếu hiểu biết của họ.

Một trong những điều khó chịu nhất mà người bệnh cảm thấy khi sống chung với chứng động kinh chính là: Trước lúc nói với mọi người cách để giúp đỡ mình nếu chẳng may lên cơn động kinh, họ thường phải lưu ý họ về những gì không nên làm.

Đừng cố gắng chèn vật cứng vào trong miệng người đang trong cơn động kinh

Thường thì người ta hay sợ người lên cơn động kinh tự nuốt lưỡi mình. Thực ra, việc này là không thể. Khi uốn lưỡi cong lên, ta sẽ thấy mặt dưới lưỡi và sàn miệng được liên kết bởi một bộ phận trông như một mảnh mô nhỏ. Bộ phận này gọi là thắng lưỡi. Thắng lưỡi giúp cố định lưỡi nên không thể xảy ra chuyện một người tự nuốt lưỡi của mình. Ấy thế mà vô số người tin vào huyền thoại “nuốt lưỡi”, bởi họ từng nghe ai đó nói với mình như vậy, và “ai đó” lại nghe điều này từ một “ai đó khác”. Niềm tin sai lầm này lan truyền theo cách đó, dù cho nó phi lý.

Sự “hiểu biết” này đối với nhiều người là không quan trọng vì nó chẳng ảnh hưởng mấy đến cuộc sống của họ. Nhưng với người bị động kinh, thì đó thực sự là “bước ngoặt cuộc đời”. Lời đồn về việc “nuốt lưỡi” đã dẫn đến hàng loạt cách thức kinh điển nhưng sai lầm và lố bịch được áp dụng để cấp cứu cho người lên cơn co giật, kiểu như dùng thìa (hay vật gì tương tự) để chèn vào miệng bệnh nhân.

Cơn động kinh nặng cộng thêm sự thiếu hiểu biết của những người xung quanh càng đặt bệnh nhân động kinh vào thế nguy hiểm. Người bệnh khi co giật không nuốt lưỡi, mà hai hàm của họ cọ vào nhau với lực cắn rất mạnh và không thể kiểm soát. Tiếng hai hàm cọ vào nhau ở người đang lên cơn động kinh nhiều khi lớn đến mức ngồi ở phòng khác cũng có thể nghe thấy.

Tình trạng thực tế là hai hàm co giật, cọ vào nhau, răng nghiến lại, khi được kết hợp với viễn tưởng “nuốt lưỡi” sẽ dẫn đến hậu quả tàn khốc. Có trường hợp một người bệnh động kinh là nam bị vỡ cả răng cửa khi lên cơn co giật. Những người xung quanh sợ rằng anh này sẽ tự nuốt lưỡi mình nên cố gắng cạy miệng anh bằng dụng cụ mở nắp chai để chèn một cái thìa vào trong.

Một bệnh nhân nữ khác cũng cho hay khi cô bị co giật, mọi người đã nhanh chóng chèn thìa gỗ vào miệng cô trước lúc hai hàm răng cắn chặt. Răng của cô vỡ vụn vì cắn phải vật cứng.

Có một trường hợp khác, người ta vơ được một cây bút chì gỗ để chèn vào miệng bệnh nhân, cũng là trước khi hai hàm khóa chặt lại. Cây bút chì gỗ chèn ngang hai bên răng hàm, và bệnh nhân cắn ngay vào phần đó. Những mảnh vụn gỗ của cây bút chì rơi vương vãi trên sàn nhà, vài mảnh gỗ nhỏ kẹt trong miệng người bệnh. Dân tình xung quanh bắt đầu hốt hoảng lo sợ nhỡ đâu người bệnh nuốt hay hít phải các mảnh vụn vào phổi.

Lý do duy nhất để đặt thứ gì đó vào miệng người bệnh khi họ lên cơn động kinh là để ngăn họ tự cắn vào lưỡi hay môi của mình. Và vật mà bạn nhét vào miệng họ phải luôn là thứ gì mềm mại, chẳng hạn như một chiếc ví. Hãy làm thế nếu bạn nhận rõ được triệu chứng trước khi cơn động kinh thực sự bắt đầu hoặc khi hai hàm của bệnh nhân vẫn chưa cắn chặt vào nhau. Còn một khi răng đã cắn chặt, xin hãy quên hẳn ý nghĩ đó và đừng cố gắng nạy mở hàm răng của bệnh nhân. Đã có trường hợp người động kinh khi bị mất kiểm soát đã cắn đứt ngón tay của người đang cố gắng nạy mở hai hàm của họ.

Đừng cố ép người bị động kinh nằm yên

Hầu hết mọi người có cùng suy nghĩ về việc giữ cho người bị lên cơn động kinh nằm yên, không giãy giụa lung tung để tránh các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Dường như những người xung quanh cho rằng đó là điều tốt nhất mà họ giúp cho người bệnh. Thật đáng buồn vì đây lại là một sai lầm. Đã có trường hợp người bệnh bị lên cơn động kinh và những người xung quanh hè nhau nắm chặt tay chân nam bệnh nhân, ghì chặt người anh xuống sàn, chèn ép đến nỗi anh này phải vật lộn để thở.

Hãy luôn nhớ: Đây không phải là một cuộc vật lộn. Bạn chẳng thể làm gì trong tình huống này, vậy nên đừng làm gì cả. Dù bạn có cố làm điều gì đó thì các tế bào thần kinh điều khiển chuyển động ở người bệnh vẫn đang bị khích thích. Cố đấm ăn xôi chẳng mang lại lợi ích gì mà còn có thể khiến bệnh nhân bị gãy xương, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.

Hơn nữa, khống chế người bệnh để họ nằm yên càng khiến não bộ bệnh nhân bị kích thích nhiều hơn, tình trạng động kinh tồi tệ hơn.

Tóm lại là đừng làm điều gì mà không có mục đích. Vật lộn để khống chế bệnh nhân thì lợi bất cập hại.

Vậy khi thấy người bị co giật do động kinh thì cần làm gì?

Về cơ bản thì những điều không nên làm đã được nêu ở trên. Còn sau đây là những điều nên làm:

Điều đầu tiên: Xin đừng hoảng loạn

Chứng kiến một người bị động kinh lên cơn co giật cũng giống như nhìn thấy ai đó rơi xuống vực sâu. Một khi cơn co giật bắt đầu, chẳng có gì nhiều để làm ngoài việc chờ cho cơn co giật đó chấm dứt. Thực ra, còn có một số cách sau có thể giúp ích:

Di dời người bệnh ra khỏi khu vực nguy hiểm

Người bị động kinh có thể ngã xuống một số kiểu địa hình khá nguy hiểm như nền đất sỏi đá, lọt xuống giữa các hàng ghế gỗ bất động. Họ bị co giật nên dễ bị thương khi ở tại những địa hình nguy hiểm. Có người bệnh quỵ xuống trong tư thế nằm sấp, và vì bị động kinh co giật mà không có ai giúp họ chuyển tư thế nằm ngửa lên nên người này đã bị một vết cắt dài trên mặt.

Đặt một thứ gì mềm lót dưới đầu của bệnh nhân

Bị co giật trên nền cứng có thể làm tổn thương vùng đầu của bệnh nhân. Vậy nên, bạn hãy tìm cho họ thứ gì mềm mại như gối, áo khoác hay chăn màn gấp gọn để tựa vào.

Xoay bệnh nhân nằm nghiêng

Một số bệnh nhân bị động kinh khi lên cơn co giật gặp tình trạng nôn ói hoặc sùi bọt mép. Hãy đặt họ nằm nghiêng để tránh chất lỏng hay bất cứ thứ gì kẹt trong khoang miệng thoát ra ngoài, không gây tắc nghẽn đường thở. Một số bệnh nhân cơ địa lưỡi dài, khi lên cơn động kinh co giật thì các cơ lưỡi bị thả lỏng, nếu nằm ngửa có thể bị nghẹn đường thở (trường hợp mà người ta thường nhầm lẫn và gọi là “nuốt lưỡi”). Trường hợp này thì nằm nghiêng cũng giúp bệnh nhân dễ thở hơn.

Khi nào cần gọi bác sĩ?

Theo trải nghiệm của một bệnh nhân ở nước ngoài từng nhập viện vì bị lên cơn động kinh thì lúc vào phòng cấp cứu, bệnh nhân này đã bị đẩy ra một góc để nằm ngủ chờ cho qua cơn. Bác sĩ và nhân viên y tế chỉ theo dõi mà không can thiệp gì. Bệnh nhân ấy liên tục bị hối thúc liên lạc với bạn bè/người thân đến đón về sớm nên cuối cùng đã tự ký giấy xuất viện của mình cho xong.

Nguyên nhân là do phòng cấp cứu ưu tiên xử lý các vấn đề khẩn cấp nhất, trong khi người lên cơn động kinh sau một lúc sẽ bớt co giật và trở nên khá hơn. Không nhất thiết phải gọi bác sĩ trong mọi trường hợp lên cơn động kinh, ngooại trừ:

  • Cơn co giật kéo dài hơn 4 phút
  • Người lên cơn động kinh đang mang thai hoặc bị tiểu đường
  • Người bệnh lên cơn động kinh khi đang bơi lội hoặc ở trong môi trường nước
  • Người bệnh không tỉnh lại sau cơn động kinh
  • Người bệnh ngừng thở sau cơn co giật
  • Người bệnh đang bị sốt cao
  • Một cơn động kinh khác bắt đầu trước khi người bệnh tỉnh lại sau cơn động kinh trước đó
  • Người bệnh bị thương trong lúc co giật
  • Trường hợp đây là cơn động kinh đầu tiên mà người đó từng có (theo như hiểu biết của bạn)

Chỉ cần mọi người nhớ và thực hành đúng những điều cơ bản nêu trên thì người bệnh động kinh sẽ không gặp nguy hiểm. Họ sẽ an tâm hơn khi bước ra ngoài xã hội mà không sợ bị thương hay nguy hiểm đến tính mạng. Hãy nhớ, những cử chỉ đầy thiện ý nhưng sai lầm về mặt kiến thức của bạn cũng góp phần đẩy bệnh tình của họ nặng thêm.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Chích ngừa ung thư cổ tử cung và những điều bạn nên biết

(95)
Ung thư cổ tử cung là một trong các loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên thế giới và Việt Nam. Việc chữa trị khó khăn gây tổn hại nhiều đến ... [xem thêm]

8 thực phẩm bạn không nên ăn khi đói bụng quá

(55)
Những khi đói bụng quá, bạn có thể thấy tay chân bủn rủn đến mức chỉ muốn ăn ngay một món gì đó hoặc uống tách cà phê, nước cam… Thế nhưng, nhiều ... [xem thêm]

Bố mẹ cần lưu ý về bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nhỏ

(27)
Ở những năm đầu đời, trẻ có hiện tượng nôn trớ sau khi ăn hoặc uống mà bố mẹ vẫn thường nghĩ do trẻ biếng ăn hay trẻ đã ăn quá nhiều. Kì thực, ... [xem thêm]

[Bác sĩ tư vấn] Cách chữa bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ em

(95)
Trào ngược dạ dày không những gây ra các triệu chứng khó chịu mà còn khiến bạn có nguy cơ dẫn đến viêm hô hấp, thậm chí ung thư thực quản. Liệu có cách ... [xem thêm]

Đừng chủ quan khi bị thú nuôi cắn!

(65)
Hầu hết các vết cắn này là của chó, mèo, chuột, hamster. Những thú nuôi này nếu được chăm sóc và tiêm chủng thì thường sẽ không gây bệnh dại. Điều ta ... [xem thêm]

Bàn chải đánh răng điện có tốt hơn bàn chải thường?

(59)
Việc lựa chọn bàn chải đánh răng phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe răng miệng và thói quen sinh hoạt là điều rất cần thiết để đảm bảo ... [xem thêm]

Hướng dẫn khám chữa bệnh ở Bệnh viện Đại học Y dược Huế

(31)
Bệnh viện Đại học Y dược Huế được thành lập năm 2002 và đã phát triển thành bệnh viện công lập hạng I đón 250.000 lượt khám bệnh mỗi năm. Bệnh ... [xem thêm]

Hướng dẫn cách dùng thuốc mỡ tra mắt đúng cách

(55)
Bên cạnh thuốc nhỏ mắt, thuốc mỡ tra mắt cũng được dùng để điều trị các vấn đề về mắt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách tra thuốc mỡ mắt ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN