Sốc insulin do biến chứng bệnh tiểu đường

(3.64) - 85 đánh giá

Sốc insulin là hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra khi bạn sử dụng quá liều do nhầm lẫn hoặc bỏ bữa. Bạn nên làm gì để phòng tránh tình trạng nguy hiểm này?

Nếu bạn bị bệnh tiểu đường nhưng quên ăn sau khi tiêm insulin, lượng insulin trong máu có thể sẽ tăng cao. Kết quả là tình trạng này dẫn đến một dạng hạ đường huyết nhẹ, còn gọi là lượng đường trong máu thấp. Nếu bạn không để ý đến tình trạng này mà sử dụng quá nhiều insulin do nhầm lẫn hoặc bỏ bữa, bạn có thể bị một tình trạng nghiêm trọng hơn nhiều gọi là sốc insulin.

Sốc insulin là một tình trạng cần cấp cứu của bệnh tiểu đường. Nếu không được điều trị, người bệnh có thể bị hôn mê, hạ đường huyết, tổn thương não và thậm chí tử vong.

Hoạt động của insulin

Khi bạn dùng thực phẩm hoặc đồ uống có chứa carbohydrate, cơ thể sẽ chuyển hóa thành glucose. Glucose là loại đường nuôi dưỡng cơ thể, cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể để thực hiện các hoạt động hàng ngày. Insulin là hormone hoạt động giống như một chìa khóa giúp mở cánh cửa vào các tế bào của cơ thể để chúng có thể hấp thụ glucose và sử dụng như một nhiên liệu.

Người bị bệnh tiểu đường có thể thiếu insulin hoặc các tế bào không thể sử dụng insulin đúng cách. Nếu các tế bào của cơ thể không thể hấp thụ glucose đúng cách sẽ gây ra dư thừa glucose trong máu. Tình trạng này được gọi là “tăng đường huyết”, liên quan đến nhiều vấn đề về sức khỏe. Tăng đường huyết có thể gây ra các biến chứng mờ mắt, loét bàn chân, bệnh tim, đột quỵ, bệnh thận và tổn thương thần kinh.

Tiêm insulin giúp những người bị bệnh tiểu đường sử dụng glucose hiệu quả hơn. Tiêm insulin trước khi ăn giúp cơ thể hấp thụ và sử dụng glucose có trong thức ăn. Lượng đường trong máu của bạn sẽ được cân bằng và điều chỉnh thích hợp. Thông thường, phương pháp tiêm insulin rất hiệu quả nhưng đôi khi cũng gây ra những tác dụng phụ.

Nguyên nhân gây sốc insulin

Lượng insulin trong máu quá cao có thể dẫn đến lượng glucose quá thấp. Nếu đường huyết của bạn giảm quá thấp, cơ thể bạn không có đủ nhiên liệu để thực hiện các chức năng thông thường. Khi sốc insulin, cơ thể bạn trở nên thiếu thốn nhiên liệu đến nỗi bắt đầu ngưng hoạt động.

Nếu bạn bị tiểu đường và có sử dụng insulin để giảm lượng đường trong máu, bạn có thể bị dư thừa lượng insulin trong máu khi tiêm quá nhiều insulin hoặc bỏ bữa sau khi tiêm insulin. Tình trạng này có thể làm cơ thể bạn mất cân bằng.

Các nguyên nhân khác gây sốc insulin bao gồm:

  • Ăn không đủ dinh dưỡng cần thiết
  • Tập thể dục nhiều hơn bình thường
  • Uống rượu mà không ăn thức ăn

Triệu chứng khi bị sốc insulin

Nếu đường huyết giảm một ít dưới mức bình thường, bạn có thể có các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình, bao gồm:

  • Chóng mặt
  • Run rẩy
  • Đổ mồ hôi/ớn lạnh
  • Đói bụng
  • Căng thẳng hoặc lo âu
  • Cáu kỉnh
  • Mạch nhanh

Ở giai đoạn triệu chứng còn nhẹ, bạn thường có thể thực hiện các biện pháp phục hồi nhanh. Bạn có thể ăn 15g thực phẩm chứa carbohydrate (carb) hấp thu nhanh. Bạn có thể dùng viên bổ sung glucose hoặc thực phẩm có hàm lượng đường cao như nước ép trái cây, nho khô, mật ong hoặc kẹo để giúp ổn định đường huyết và làm giảm các triệu chứng.

Nếu bạn cảm thấy khá hơn sau khoảng 15 phút, bạn có khả năng hồi phục hoàn toàn. Nếu không thấy đỡ hơn, bạn nên tiếp tục sử dụng 15g carbohydrate cho đến khi đường huyết của bạn tăng lên và sau đó bạn nên ăn thêm.

Nếu bạn đang bị sốc insulin ở mức độ nặng, các triệu chứng sẽ tiến triển nhanh hơn:

  • Nhức đầu
  • Lú lẫn
  • Ngất xỉu
  • Run giật cơ
  • Co giật
  • Hôn mê
  • Phối hợp vận động kém, vấp và té ngã

Tình trạng sốc insulin cũng có thể xảy ra vào giữa đêm. Trong trường hợp đó, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Ác mộng
  • Khóc trong khi ngủ
  • Lú lẫn hoặc dễ cáu kỉnh khi thức dậy
  • Ra mồ hôi nhiều
  • Có hành vi hung hăng.

Hướng dẫn xử lý khi bị sốc insulin

Trường hợp hạ đường huyết từ nhẹ đến trung bình thông thường có thể điều trị bằng cách bổ sung đường. Tuy nhiên, nếu bạn bắt đầu có các triệu chứng của hạ đường huyết nặng, thì bạn cần tới các phương pháp điều trị mạnh hơn. Nếu bạn hoặc ai đó xung quanh bạn bắt đầu bị sốc insulin, hãy thực hiện các bước sau:

  • Gọi cấp cứu, đặc biệt là khi người đó bị bất tỉnh.
  • Bổ sung đường vào cơ thể ngay lập tức (như hướng dẫn ở trên).
  • Tiêm glucagon nếu người đó bị bất tỉnh. Nếu bạn không có glucagon, nhân viên cấp cứu sẽ tiêm. Không nên để người đã bất tỉnh nuốt bất cứ cái gì vì có thể sặc.

Cách phòng tránh sốc insulin

Sốc insulin không phải là một trải nghiệm dễ chịu. Tuy nhiên, có một số cách để bạn có thể phòng tránh. Bạn có thể làm theo các khuyến cáo sau đây để giảm nguy cơ bị hạ đường huyết nặng và các vấn đề liên quan:

  • Luôn mang theo viên bổ sung glucose hoặc tạo thói quen mang theo kẹo cứng phòng khi đường huyết của bạn xuống quá thấp.
  • Luôn ăn sau khi tiêm insulin.
  • Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ cách sử dụng một loại thuốc mới.
  • Hãy ăn thực phẩm có đường khi tập thể dục và trao đổi với chuyên viên dinh dưỡng nên ăn gì trước khi tập thể dục.
  • Thận trọng khi uống rượu bia. Trao đổi với bác sĩ để biết nên làm gì là tốt nhất.
  • Hãy thận trọng sau những tập các bài tập mạnh vì bạn có thể bị giảm đường huyết trong nhiều giờ sau khi tập luyện.
  • Kiểm tra đường huyết thường xuyên.
  • Nếu bạn gặp các triệu chứng trong khi lái xe, hãy dừng xe lại ngay lập tức.
  • Thông báo cho gia đình và bạn bè của bạn các triệu chứng của hạ đường huyết để họ có thể giúp bạn khi bạn có các triệu chứng này.
  • Hãy đề nghị bác sĩ cung cấp glucagon, vì tất cả những ai cần bổ sung insulin đều nên có sẵn trong người glucagon.
  • Mang theo bảo hiểm y tế để các nhân viên cấp cứu có thể điều trị cho bạn nhanh chóng.

Với các biện pháp phòng ngừa thích hợp, bạn có thể kiểm soát được bệnh tiểu đường và thuốc insulin của bạn để giữ cho đường huyết được ổn định.

Giang Lê | HELLO BACSI

Đánh giá:

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN