Thai ngoài tử cung

(3.61) - 84 đánh giá

Thai ngoài tử cung là gì?

Thai ngoài tử cung (TNTC) xảy ra khi một trứng đã thụ tinh phát triển bên ngoài tử cung. Hầu hết các trường hợp thai ngoài tử cung xảy ra ở ống dẫn trứng. Hiếm khi TNTC nằm ở buồng trứng hay một cơ quan khác trong ổ bụng. Khi phát triển, TNTC có thể làm vỡ ống dẫn trứng. Điều này sẽ gây xuất huyết nội (chảy máu bên trong ổ bụng) nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng và cần phải được điều trị bằng phẫu thuật.

Những ai có nguy cơ bị thai ngoài tử cung?

Phụ nữ có ống dẫn trứng bất thường có nguy cơ cao bị thai ngoài tử cung. Ống dẫn trứng bất thường có thể hiện diện ở những phụ nữ có các tình trạng sau:

  • Bệnh lý viêm nhiễm vùng chậu (nhiễm trùng ở tử cung, ống dẫn trứng, và các cấu trúc lân cận)
  • Từng bị thai ngoài tử cung
  • Vô sinh
  • Phẫu thuật vùng chậu hoặc bụng
  • Lạc nội mạc tử cung
  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Phẫu thuật ống dẫn trứng trước đó (như triệt sản ống dẫn trứng)

Những yếu tố khác có thể tăng nguy cơ thai ngoài tử cung bao gồm:

  • Hút thuốc lá
  • Phơi nhiễm với thuốc diethylstilbestrol (DES) trong quá trình mang thai
  • Lớn tuổi

Những triệu chứng của thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung có thể gây nên các triệu chứng sau:

  • Xuất huyết âm đạo bất thường: ra huyết không vào thời gian hành kinh bình thường của bạn được gọi là xuất huyết âm đạo bất thường. Có thể ra huyết nhiều hay ít.
  • Đau vùng bụng hoặc vùng chậu: đau có thể đột ngột và dữ dội, không giảm đi hay có xu hướng mất đi. Cơn đau có thể xảy ra ở chỉ một bên.
  • Đau lan lên vai: Máu từ ống dẫn trứng bị vỡ có thể tràn đến vùng dưới cơ hoành (vùng giữa ngực và dạ dày). Máu tụ ở vùng này gây đau lan lên vai theo dẫn truyền thần kinh.
  • Mệt mỏi, chóng mặt hay ngất xỉu: xảy ra do mất máu.

Những triệu chứng này có thể xảy ra thậm chí trước khi bạn nghi ngờ mình có thai. Nếu bạn có những triệu chứng này, hãy gọi cho bác sỹ của bạn.

Làm thế nào để chẩn đoán thai ngoài tử cung?

Nếu bác sỹ nghi ngờ rằng bạn có thai ngoài tử cung, bạn có thể được:

  • Khám vùng chậu.
  • Kiểm tra huyết áp (huyết áp thấp có thể do xuất huyết nội) và mạch.
  • Siêu âm (một xét nghiệm trong đó sóng âm được dùng để tạo hình ảnh) để xem có những dấu hiệu sớm của thai kỳ hay không.
  • Xét nghiệm máu để định lượng hormone hCG (human chorionic gonadotropin). Hormone này được tạo ra khi người phụ nữ có thai. Xét nghiệm này có thể được lặp lại nhiều lần để kiểm tra nồng độ hCG.

Các phương pháp điều trị thai ngoài tử cung

Có hai phương pháp được sử dụng để điều trị thai ngoài tử cung: nội khoa và ngoại khoa. Dù sử dụng cách nào đi nữa, bạn cũng cần được theo dõi nhiều tuần sau khi điều trị.

Những thuốc nào được sử dụng để điều trị thai ngoài tử cung

Nếu thai còn nhỏ và chưa làm vỡ ống dẫn trứng, trong một vài trường hợp, các loại thuốc có thể được sử dụng thay cho phẫu thuật để điều trị thai ngoài tử cung. Thuốc làm ngừng lại sự phát triển của thai và cho phép cơ thể hấp thụ nó qua thời gian. Điều này cho phép bảo tồn được ống dẫn trứng.

Khi nào thì phẫu thuật được sử dụng để điều trị thai ngoài tử cung, và được tiến hành như thế nào?

Nếu thai còn nhỏ và ống dẫn trứng chưa bị vỡ, trong vài trường hợp, thai có thể được lấy ra qua một đường cắt nhỏ trên ống dẫn trứng bằng nội soi. Trong thủ thuật này, một ống soi mảnh, truyền sáng được đưa vào thông qua đường mở nhỏ ở bụng. Điều này được thực hiện tại bệnh viện với gây mê toàn thân. Có thể phải thực hiện một đường mổ lớn hơn ở bụng nếu thai đã lớn hoặc lượng máu mất đáng kể. Một phần hay toàn bộ ống dẫn trứng có thể được cắt bỏ trong trường hợp này.

Có thể có thai sau khi phẫu thuật?

Nếu bạn đã từng phẫu thuật và ống dẫn trứng vẫn còn ở đúng vị trí, khả năng cao bạn vẫn có thể có thai bình thường trong tương lai. Tuy nhiên, một khi bạn đã từng bị thai ngoài tử cung, bạn có nguy cơ cao sẽ bị lại một lần nữa.

Thuật ngữ

Lạc nội mạc tử cung: Một tình trạng trong đó những mô tương tự với lớp lót bình thường của tử cung (nội mạc tử cung) được tìm thấy bên ngoài tử cung, thường là ở buồng trứng, ống dẫn trứng và các cấu trúc khác trong vùng chậu.

Ống dẫn trứng: Một cặp ống dẫn nối từ buồng trứng đến tử cung.

Gây mê toàn thân: Sử dụng thuốc để tạo ra một trạng thái giống như đang ngủ để làm mất cảm giác đau trong suốt quá trình phẫu thuật.

Hormone: Một chất được tạo ra bởi cơ thể nhằm kiểm soát chức năng của nhiều cơ quan.

Vô sinh: Tình trạng trong đó một cặp đôi vẫn chưa có thai sau 12 tháng quan hệ thường xuyên mà không sử dụng một hình thức tránh thai nào.

Nội soi: Một thủ thuật ngoại khoa trong đó một ống soi mảnh, truyền sáng, được đưa vào vùng chậu qua một đường mổ nhỏ. Ống soi này được sử dụng để quan sát các cơ quan trong vùng chậu. Các dụng cụ khác có thể được sử dụng để tiến hành phẫu thuật.

Buồng trứng: Gồm hai tuyến, nằm hai bên của tử cung, chứa các trứng được phóng thích khi rụng trứng và sản xuất ra các hormone.

Triệt sản ống dẫn trứng: Một phương pháp triệt sản ở phụ nữ trong đó các ống dẫn trứng được đóng lại bằng cách thắt, nẹp, cắt hoặc đốt với dao điện.

Tử cung: Một cơ quan dạng cơ, nằm trong vùng chậu của người phụ nữ, giúp mang và nuôi dưỡng bào thai trong khi mang thai.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy trao đổi với bác sĩ sản phụ khoa.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/Patients/FAQs/Ectopic-Pregnancy

Biên dịch - Hiệu đính

Nguyễn Thị Thanh Phương - ThS.BS. Nguyễn Khánh Linh
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Bệnh lậu, bệnh Chlamydia và bệnh giang mai

(86)
Thế nào là bệnh lậu, bệnh Chlamydia và bệnh giang mai? Bệnh lậu, bệnh Chlamydia và bệnh giang mai là các bệnh lây truyền qua đường tình dục (sexually transmitted ... [xem thêm]

Bơm tinh trùng (IUI) là gì?

(96)
Bơm tinh trùng là kỹ thuật để điều trị hiếm muộn, bằng cách đặt tinh trùng vào trong buồng tử cung để tăng khả năng có thai. Mục đích của IUI là làm ... [xem thêm]

Thuỷ đậu và thai kỳ

(19)
Thuỷ đậu, có khi dân gian mình gọi là trái rạ, là một bệnh do nhiễm virus tên là Herpes zoster. Nếu bạn đã từng nhiễm thuỷ đậu, cơ thể bạn sẽ sản xuất ... [xem thêm]

Chẩn đoán sẩy thai

(90)
Nếu thai phụ đến gặp bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ sản khoa vì lí do xuất huyết âm đạo hoặc những triệu chứng của sẩy thai thì thai phụ sẽ được ... [xem thêm]

Những điều cần biết trước khi mang thai

(13)
Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai để làm gì? Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai nhằm mục đích để tìm kiếm những yếu tố có thể ảnh hưởng đến ... [xem thêm]

Giải đáp thắc mắc về viêm gan trong thai kỳ

(43)
Viêm gan B và viêm gan C là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng ảnh hưởng đến gan. Cả hai bệnh đều gây ra bởi vi-rút (còn được gọi là viêm gan siêu vi), dễ lây ... [xem thêm]

Những thay đổi ngoài da ở phụ nữ có thai

(100)
Những thay đổi thường gặp ở da khi mang thai? Nhiều phụ nữ cảm thấy sự thay đổi ở hệ da, móng và lông khi mang thai. Một vài thay đổi phổ biến bao gồm: ... [xem thêm]

Lợi ích và những hướng dẫn tập thể dục trong thai kì

(67)
Thông thường thai phụ sẽ có nhiều băn khoăn có nên thực hiện các bài tập thể dục trong thời kỳ mang thai hay không. Tuy nhiên, những hoạt thể dục thể chất ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN