Hành vi và phát triển
Bé phát triển như thế nào?
Các hành vi trái ngược nhau của bé trong thời gian này cho thấy rằng con đang bắt đầu hiểu một khái niệm rất lớn: bé là một cá thể tách biệt với mẹ. Đây cũng là nguyên nhân của hội chứng ”mẹ không thể kiểm soát toàn bộ cuộc đời con!”. Bé sẽ phản kháng lại khi mẹ thay tã, đánh răng cho bé, đưa bé vào xe đẩy hay đặt bé ngồi trên ghế trên xe.
Tháng thứ 15 là một trong những cột mốc quan trọng của con. Khoảng 90% các bé bây giờ đều đã biết đi và có vẻ như những bước đi đầu tiên này đang dần đưa bé bước ra khỏi khoảng thời gian tuổi thơ của mình. Đột nhiên bé sẽ muốn ngồi ở bàn ăn thay vì ngồi trên ghế ăn của riêng mình. Bé sẽ muốn nói chuyện trên điện thoại, đẩy máy hút bụi và làm bất cứ điều gì bé có thể làm để giúp đỡ mẹ. Thậm chí cho dù bé không hoàn toàn tự tin đứng vững trên đôi chân mình, bé vẫn rất muốn thử nghiệm các cách thức khác nhau để di chuyển như leo trèo, chạy thật nhanh, chạy, nhảy và đi chệnh choạng.
Khi được 15 tháng tuổi, bé còn thường cắn người khác bởi khi ấy bé thiếu các kỹ năng ngôn ngữ để thể hiện bản thân mình muốn gì. Nếu bé cảm thấy bị đe dọa, đôi khi tất cả những gì bé có thể nghĩ đến đó là một cái cắn thật mạnh vào người khác.
Mẹ cần làm gì để hỗ trợ cho bé?
Hãy đọc sách cho con nghe. Ở tuổi này, một số bé có thể ngồi yên một chỗ, nhưng một số bé khác thì không. Đừng vội từ bỏ hy vọng nếu con cứ ngọ nguậy suốt thời gian mẹ đọc sách cho bé nghe. Hãy cứ kiên nhẫn cho bé làm quen với sách và rồi cuối cùng bé cũng sẽ thích việc ngồi yên và lắng nghe các câu chuyện mà mẹ kể. Về lâu dài, đọc sách có khả năng sẽ trở thành một trong những hoạt động bổ ích nhất cho cả mẹ và bé. Trẻ em đang tập đi thường muốn nghe cùng một câu chuyện lặp đi lặp lại nhiều lần. Sự lặp lại này sẽ giúp bé học từ vựng và việc quen thuộc với những câu chuyện sẽ khiến bé yên tâm hơn, kiểu như: “À ha, con biết là chuyện này sẽ xảy ra mà!”.
Nếu con có tính cách khá khép kín thì đừng vội gọi bé là “nhút nhát”. Có thể bé sẽ chậm cởi mở hơn với người khác, nhưng hầu hết trẻ ở tuổi này đôi khi cư xử rất nhút nhát, đặc biệt là trước những tình huống mới phát sinh. Sự lo lắng bị tách biệt có thể là nguyên nhân khiến việc giao tiếp của bé trở nên khó khăn hơn. Và mọi việc sẽ càng khó khăn nếu bé giao tiếp với những đứa trẻ cũng nhút nhát như mình.
Nếu con của mẹ có vẻ hướng nội nhiều hơn thì trong các tình huống giao tiếp căng thẳng, hãy để bé biết rằng mẹ luôn hiểu bé. Hãy nắm lấy tay bé và nói: “Bữa tiệc này thật ồn ào phải không con?”. Hãy cho bé thêm thời gian để cởi mở mà không thúc ép bé. Mẹ cũng nên khen bé khi bé hòa đồng với người khác thay vì chỉ ra những lần mà bé quá dè dặt khi tiếp xúc với mọi người xung quanh. Để cổ vũ bé hoạt động nhiều hơn, hãy mua một quả bóng, thảy bóng về phía xa và sau đó khi quả bóng lăn lại về phía mẹ, hãy chỉ cho bé cách bắt lấy bóng. Có thể không phải lúc nào bé cũng bắt được quả bóng, nhưng bé sẽ rất vui trong khi đuổi theo quả bóng.
Để đối phó với thói quen cắn của bé, đầu tiên hãy chuyển sự chú ý của mẹ đến đứa trẻ bị cắn và chắc chắn rằng đứa trẻ đó không sao. Giữ bình tĩnh trước cả hai đứa trẻ. Mẹ sẽ chẳng được gì nếu cứ la hét hay phạt đứa đã cắn người khác bởi thực ra bé đã đủ bị choáng ngợp trước những cảm xúc không thể kiểm soát của mình rồi. Thực tế là, đứa trẻ đi cắn người khác có khi còn khóc to hơn đứa bị cắn nhiều. Mẹ chỉ cần nói: “Không được cắn!” và hướng dẫn lại cho bé. Hãy lưu ý những gì đã xảy ra vào thời điểm xảy ra sự việc. Con của mẹ có phải đang bị đe dọa hoặc cảm thấy bị xâm phạm không gian của mình? Lúc này có gần thời gian ngủ trưa của bé hay không? Mẹ có thể giảm thiểu tối đa vấn đề này nếu mẹ biết nguyên nhân thực sự của nó.
Sức khỏe và an toàn
Mẹ nên nói gì với bác sĩ?
Khi bé bị cảm lạnh thì thường kéo theo sau đó là bệnh nhiễm trùng tai. Vì vậy hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu mẹ nghi ngờ bé bị nhiễm trùng tai.
Mẹ nên biết thêm những gì?
Biểu đồ tăng trưởng của con có thể cho mẹ một hình ảnh chung nhất về cách bé phát triển thể chất. Bằng cách so sánh các số đo của con gồm cân nặng, chiều cao và chu vi vòng đầu với mức trung bình của trẻ em cùng độ tuổi, cùng giới tính và cả với các thông số từ lần đo trước đó của bé, bác sĩ có thể xác định xem liệu bé có đang phát triển khỏe mạnh hay không.
Mối quan tâm của mẹ
Những điều mẹ cần quan tâm là gì?
Một trong những điều mẹ nên để ý đó là bệnh nhiễm trùng tai bởi 2/3 trẻ em mắc phải triệu chứng này khi bé lên 2 tuổi. Nếu con sổ mũi và hắt hơi trong thời gian gần đây, đó chính là một dấu hiệu của căn bệnh này: Ít nhất 70% các bệnh nhiễm trùng này xuất hiện sau khi bé bị cảm lạnh, bởi lúc này khả năng miễn dịch tự nhiên của bé đã bị yếu đi.