Hành vi và phát triển
Bé phát triển như thế nào?
Đánh nhau để giành đồ chơi là chuyện rất thường xảy ra khi hai đứa trẻ cùng chơi với nhau. Chúng sẽ tranh giành kịch liệt quyền sở hữu món đồ vì lúc này bé còn quá nhỏ để có thể hiểu khái niệm chia sẻ.
Một điểm mốc đáng chú ý vào thời gian này chính là việc bé thích lặp lại mọi việc. Bé có thể muốn ăn một món nhiều lần, mặc cùng một bộ đồ ngày này qua ngày nọ hay làm đi làm lại mọi thứ theo một trật tự chính xác. Hãy nhớ là bé đang cố hiểu thế giới xung quanh, vậy nên khi bé muốn giữ mọi thứ giống nhau chính là lúc bé từng bước một kiểm soát sự nhận thức và an toàn của mình với thế giới xung quanh. Nói cách khác, làm mọi thứ theo khuôn mẫu có thể đem lại cho bé cảm giác an toàn.
Vào lúc này, bé cũng sẽ bắt đầu phát triển cách tư duy mới gọi là tư duy biểu tượng. Về cơ bản, điều này có nghĩa là bé có thể nhìn sự việc bằng trí nhớ. Kinh nghiệm và thói quen của bé sẽ hình thành nên những móc nối mới trong tâm trí, tạo nên khả năng nhớ lại và miêu tả lại những hình ảnh bé đã nhìn thấy: đồ chơi trông như thế nào, đường đi tới nhà bà ra sao và ngày hôm qua ăn gì.
Mẹ cần làm gì để hỗ trợ cho bé?
Để giúp con tránh khỏi ẩu đả, mẹ nên:
- Trở thành hình mẫu gương mẫu trong việc chia sẻ. Đặc biệt luôn dùng từ “chia sẻ” hoặc những từ có nghĩa tương tự khi nói chuyện với bé: “Con có muốn chia miếng bánh này với mẹ không?”; “Con có muốn gấp đồ chung với mẹ không?”.
- Chấm dứt trận chiến giữa các bé bằng cách tịch thu món đồ chơi và hướng sự chú ý của bọn trẻ sang sự việc khác: “Chơi nhiều có thể làm xe bị hư đó, các con cho xe nghỉ tí nha. Bây giờ mình chơi thổi bong bóng đi”.
- Hãy thường xuyên chỉ cho bé khi những anh chị lớn hơn chia sẻ với người khác.
- Hãy giấu những món đồ chơi mà bé ưa thích khi có mẹ bè bé tới chơi vì chưa chắc bé sẽ để cho mẹ bé chơi món đồ mình yêu thích.
- Hãy cho các bé chơi những trò vừa có thể tự chơi vừa có thể chia sẻ cùng nhau như nặn đất sét hoặc vẽ tranh.
- Hãy khen ngợi bé khi bé biết chia sẻ bởi những lời khen ngợi chính là những công cụ giáo dục tuyệt vời nhất cho bé.
- Hãy giúp bé rèn luyện trí nhớ bằng cách đặt ra những câu hỏi về những gì bé biết như: “Hừm, sau khúc chú thỏ nói tạm biệt thì là gì nhỉ?” hoặc hỏi bé những câu hỏi chi tiết như: “Con đã ăn kem vani hay kem sôcôla?”. Vào cuối ngày, mẹ hãy tổng kết lại ngày của bé bằng những câu hỏi: “Hôm nay con đã làm điều gì tốt? kể cho mẹ nghe với!”.
Sức khỏe và an toàn
Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?
Bé mút ngón tay là bởi bé cảm thấy bình tĩnh hơn khi thực hiện hành động này. Bé hẳn đã có mút tay từ khi ở trong bụng mẹ và đã hình thành thói quen khi còn là trẻ sơ sinh. Vậy nên mỗi khi bé cảm thấy mệt mỏi, hoảng sợ, đau bệnh hoặc đang cố gắng thích nghi với những thử thách thì bé sẽ lại mút ngón tay. Bé cũng có thể dùng hành động này để dễ ngủ hơn hoặc để ngủ trở lại khi bé bị thức giấc vào giữa đêm. Đừng quá lo lắng về hành động này, nếu mẹ còn những thắc mắc và lo âu, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.
Mẹ nên biết thêm những gì?
Hãy cho bé đi khám răng định kì để giữ cho răng bé luôn khỏe mạnh và chắc khỏe. Nếu răng bé vẫn tốt, nhưng bé lại bị hôi miệng, hãy đưa bé tới bác sĩ để được khám kĩ hơn.
Mối quan tâm của mẹ
Những điều mẹ cần quan tâm?
Người lớn và cả trẻ em đều có thể bị hôi miệng. Những thủ phạm chính cho hiện tượng này là:
Hiện tượng khô miệng:
Nếu con thở bằng miệng, miệng có thể khô hơn, từ đó khiến vi khuẩn trong miệng bé sẽ phát triển mạnh hơn.
Ngoại vật:
Một hạt đậu, một món đồ chơi bé xíu hoặc những vật nào mà bé cho vào mũi có thể khiến bé bị hôi miệng. Việc này rất thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ mới lớn bởi chúng thường rất tinh nghịch và thích đặt mọi thứ ở mọi nơi.
Vệ sinh kém:
Vi khuẩn bình thường trong miệng sẽ tiếp xúc với thức ăn còn dính giữa răng, ở lợi hoặc ở amiđan, từ đó gây nên hiện tượng hôi miệng. Thức ăn càng tồn đọng lại lâu thì càng dễ gây ra hiện tượng này.
Sâu răng, cao răng hoặc lỗ hổng nơi răng:
Chúng có thể ảnh hưởng tới răng của trẻ em dù ở bất kì độ tuổi nào và gây nên hiện tượng hôi miệng (ở người lớn thì nguyên nhân chủ yếu lại là do bệnh về lợi hoặc viêm nướu).
Ăn thức ăn chua cay:
Nếu con thích ăn những loại thực phẩm như tỏi và hành, chúng sẽ gây nên chứng hôi miệng tạm thời cho bé.
Bệnh:
Những căn bệnh như viêm xoang, viêm amiđan hoặc thậm chí cả dị ứng do thời tiết cũng có thể gây nên hiện tượng hôi miệng. Những đứa trẻ mắc phải bệnh trào ngược dạ dày cũng bị hôi miệng.