Bệnh thủy đậu có lây không? Câu trả lời là rất dễ lây. Nếu bạn chưa được tiêm phòng và chưa bao giờ bị thủy đậu, nguy cơ nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh này là rất lớn. Thế nên, tiêm phòng sớm và cẩn thận với những người bị thủy đậu là các biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất mà bạn nên thực hiện ngay.
Thủy đậu do virus varicella zoster, một trong những loại virus herpes, gây ra. Ủy ban Thường vụ về Tiêm chủng Đức (STIKO) tại Viện Robert Koch khuyên bạn nên tiêm vaccine thủy đậu càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Nếu bạn hoặc ai đó trong gia đình bạn bị thủy đậu, cần học cách kiểm soát bệnh để tránh lây sang người khác. Cụ thể, người bị thủy đậu nên tránh tiếp xúc với các đối tượng có nguy cơ cao, bao gồm:
– Người có hệ thống miễn dịch yếu (suy giảm miễn dịch)
– Trẻ sơ sinh cũng như trẻ em chưa được chích ngừa
– Người lớn chưa có kháng thể thủy đậu
Ngoài ra, virus varicella zoster còn có khả năng gây hại cho thai nhi nếu mẹ bầu bị thủy đậu trong thai kỳ, đồng thời đe dọa tính mạng của trẻ sơ sinh. Tóm lại, mặc dù thủy đậu được xem là bệnh lành tính, hiếm khi để lại hậu quả nghiêm trọng ở trẻ em khỏe mạnh, song nó có thể gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng khó lường.
Bệnh thủy đậu truyền nhiễm trong bao lâu và lây lan như thế nào?
Thủy đậu có khả năng truyền nhiễm từ một hoặc hai ngày trước khi các nốt ban xuất hiện. Bệnh nhân thường bị đau đầu và đau cơ tại thời điểm đó. Sau khi phát ban, thủy đậu vẫn tiếp tục truyền nhiễm cho đến khi các mụn nước cuối cùng khô lại và các vảy đã bong ra.
Bệnh thủy đậu lây lan qua những giọt nước bọt nhỏ li ti trong không khí phát ra từ người nhiễm bệnh qua đường ho, hắt hơi hoặc nói. Tình trạng này được gọi là nhiễm trùng nhỏ giọt. Virus cũng có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp (bằng cách chạm vào vật dụng cá nhân, quần áo của người bệnh).
Một điều mà nhiều người không biết là người bình thường cũng có thể bị thủy đậu do tiếp xúc với những người bị bệnh zona. Tuy nhiên lúc này, virus varicella zoster lây lan qua con đường tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, chứ không qua các giọt trong không khí. Bên cạnh đó, những ai từng bị thủy đậu sẽ có nguy cơ bị bệnh zona vào thời điểm nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ sau khi khỏi bệnh.
Nên tiêm phòng thủy đậu cho ai?
Kể từ tháng 8 năm 2004, Ủy ban Thường trực về Vắc xin (STIKO) của Đức tại Viện Robert Koch đã khuyến nghị tiêm vaccine thủy đậu (tiêm phòng thủy đậu) cho tất cả trẻ em. Khuyến cáo của STIKO là tiêm mũi vaccine đầu tiên trong độ tuổi từ 11 đến 14 tháng và mũi thứ hai trong độ tuổi từ 15 đến 23 tháng. Cần tiêm cho trẻ loại vaccine kết hợp chống lại bệnh sởi, quai bị và rubella (MMR) hoặc vaccine chống lại bệnh sởi, quai bị, rubella và thủy đậu (MMRV).
Một nhóm người khác cũng được khuyên nên tiêm vaccine nếu họ chưa bị thủy đậu: thanh thiếu niên chưa có miễn dịch với thủy đậu, phụ nữ đang có kế hoạch mang thai và những người đang bị một số bệnh khác, chẳng hạn như bệnh chàm nghiêm trọng.
Cũng như các loại vaccine khác, vaccine thủy đậu có khả năng gây ra tác dụng phụ như sưng đỏ xung quanh chỗ tiêm và sốt nhẹ, nhưng tất cả sẽ hết sau vài ngày.
Vaccine thủy đậu có hiệu quả 98%. Như vậy có nghĩa là những người đã được tiêm phòng vẫn có thể bị thủy đậu, song số này rất ít và nếu có bị bệnh thì các triệu chứng cũng nhẹ hơn so với bình thường. Nguy cơ xảy ra biến chứng cũng thấp hơn.
Điều gì xảy ra nếu tiếp xúc với người bị thủy đậu trong khi chưa có miễn dịch?
Nếu chưa bao giờ bị thủy đậu cũng như chưa được tiêm phòng, bạn sẽ được chỉ định chủng ngừa trong vòng 5 ngày kể từ khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Các nghiên cứu cho thấy tiêm vaccine sau khi tiếp xúc giúp ngăn ngừa thủy đậu ở 55 trên 100 trẻ. Đối với những trẻ em được tiêm vaccine mà vẫn bị thủy đậu, bệnh thường ở dạng nhẹ hơn so với trẻ không được tiêm phòng.
Không nên tiêm vaccine thủy đậu trong thai kỳ. Nếu một phụ nữ mang thai chưa được tiêm phòng và không có miễn dịch tiếp xúc với người bị thủy đậu, cần nhanh chóng đi khám bác sĩ ngay. Trong vòng 4 ngày sau khi tiếp xúc, các kháng thể đặc biệt sẽ được tiêm cho thai phụ để chống lại virus. Đây được gọi là chủng ngừa thụ động. Nó giúp ngăn chặn bệnh thủy đậu phát triển đầy đủ, hoặc ít nhất là làm suy yếu các triệu chứng của bệnh.
Chích ngừa thụ động cũng là một lựa chọn cho trẻ sơ sinh nếu mẹ chúng bị thủy đậu vài ngày trước hoặc sau khi sinh. Việc làm này nhằm mục đích bảo vệ em bé khỏi các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Làm thế nào để tránh nhiễm phải virus thủy đậu trong cuộc sống hàng ngày?
Nếu ai đó trong gia đình bạn (hoặc tại nơi bạn làm việc) bị thủy đậu, các biện pháp phòng ngừa sau đây có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng:
- Gọi cho bác sĩ trước, cho họ biết bạn sắp đưa một trường hợp nghi ngờ mắc bệnh thủy đậu đến khám, đồng thời hỏi xem bạn nên làm gì khi đến đó. Những người được cho là bị thủy đậu thường được yêu cầu đưa đến một phòng chờ riêng để họ không lây nhiễm cho người khác. Nếu có thể, bác sĩ sẽ đến khám tại nhà.
- Người bị thủy đậu nên bị cách ly tạm thời, tránh tiếp xúc với bất cứ ai chưa bao giờ bị bệnh này. Điều đó có nghĩa là bệnh nhân thủy đậu cần hạn chế sinh hoạt chung phòng với người khác, vì bệnh rất dễ lây lan qua không khí.
- Trẻ em bị thủy đậu không được đến trường hoặc nhà trẻ. Bạn cũng không nên cho chúng chơi với những đứa trẻ khác cho đến khi chúng không còn khả năng truyền nhiễm.
- Tránh gãi hay chà xát các nốt ban dẫn tới trầy xước, làm chúng vỡ ra khiến chất lỏng bên trong lây lan dễ dàng.
- Đối với trẻ em, phải luôn cắt tỉa móng tay trẻ gọn gàng. Đeo bao tay cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi nhằm hạn chế bé cào/gãi không kiểm soát.