Đang tải ...
Đang tải ...
Đang tải ...
Đang tải ...
Đang tải ...
Đang tải ...
Đang tải ...
Đang tải ...
Loading ...

U mô đệm đường tiêu hóa (GIST) – Chọn lựa phương thức điều trị

(3.57) - 33 đánh giá

Biên dịch: Phùng Ngọc Dung; Phan Thị Thu Hiền; Dương Thị Bích Ngọc

Hiệu đính: Ths.Bs Nguyễn Thị Hợi – Khoa Nội soi Thăm dò chức năng Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Phần này cho bạn biết những phương pháp điều trị tốt nhất hiện nay. Khi đưa ra quyết định kế hoạch điều trị, bệnh nhân được khuyến khích xem xét thử nghiệm lâm sàng như một lựa chọn điều trị.

Thử nghiệm lâm sàng là nghiên cứu thử nghiệm một cách điều trị mới. Mục đích của nghiên cứu lâm sàng là kiểm tra xem phương pháp điều trị mới này có an toàn hơn, hiệu quả hơn và có tốt hơn phương pháp điều trị đã biết hay không. Thử nghiệm lâm sàng có thể thử nghiệm một loại thuốc mới, phối hợp các phương pháp điều trị hoặc liều mới của thuốc hoặc phương pháp điều trị khác. Thử nghiệm lâm sàng có thể áp dụng cho tất cả các giai đoạn bệnh. Bác sĩ có thể giúp bạn xem xét tất cả các lựa chọn điều trị.

Khái quát về điều trị

Trong điều trị ung thư, các bác sĩ ung thư thuộc các chuyên ngành điều trị khác nhau sẽ cùng làm việc để đưa ra kế hoạch điều trị tổng quát kết hợp các loại phương pháp điều trị khác nhau cho bệnh nhân. Họ được gọi là một nhóm đa ngành.

Bệnh nhân bị GIST tăng cơ hội sống thêm nếu được lập kế hoạch điều trị bởi các chuyên gia về u mô mềm. Các nhóm chăm sóc ung thư bao gồm nhiều chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác như trợ lý bác sĩ, điều dưỡng ung thư, nhân viên xã hội, dược sĩ, nhân viên tư vấn, chuyên viên dinh dưỡng…

Các phương pháp điều trị phổ biến nhất cho GIST

Trong đó cũng bao gồm việc điều trị các triệu chứng hay tác dụng phụ trong quá trình điều trị.

Việc chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm loại và giai đoạn bệnh, các tác dụng phụ có thể xảy ra, nguyện vọng của bệnh nhân và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Các yếu tố giúp xác định cách điều trị tốt nhất bao gồm:

  • Kích thước khối u
  • Số lượng tế bào phân chia
  • Sự sắp xếp gen
  • Vị trí u nguyên phát
  • U đã di căn hay chưa
  • Khối u đã bị vỡ chưa nếu đã vỡ thì là do nó tự vỡ hay do phẫu thuật

Hãy dành thời gian để tìm hiểu về tất cả các phương pháp điều trị và hãy đặt câu hỏi về những điều bạn còn thắc mắc. Nói chuyện với bác sĩ về các mục tiêu của mỗi cách điều trị và những gì có thể xảy ra với bạn khi điều trị.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là cắt bỏ khối u và các mô lành lân cận. Bác sĩ phẫu thuật ung thư là một chuyên gia điều trị ung thư bằng phẫu thuật.

Đối với bệnh nhân bị GIST tại chỗ, phẫu thuật là cách điều trị chuẩn và nên được thực hiện ngay khi có thể. trong trường hợp các khối u GIST đã lan ra vị trí khác thì phẫu thuật không thể lấy hết, do đó bệnh không được chữa khỏi hẳn. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể được cân nhắc nếu khối u còn khu trú.

Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân nên nói chuyện với bác sỹ điều trị/phẫu thuật để biết về các tác dụng phụ có thể gặp do phẫu thuật.

Liệu pháp sử dụng thuốc

Liệu pháp toàn thân là sử dụng thuốc để phá huỷ tế bào u. Trong phương pháp này thuốc được đưa vào qua máu và đi vào tế bào u.Thuốc được chỉ định bởi các bác sĩ nội ung thư (là những bác sĩ điều trị ung thư bằng thuốc).Cách phổ biến đưa thuốc vào cơ thể là qua tiêm truyền hoặc đường uống.

Phương pháp này cũng bao gồm liệu pháp nhắm trúng đích, sự khác biệt của liệu pháp nhắm trúng đích sẽ được trình bày dưới đây. Đối với liệu pháp sử dụng thuốc, bệnh nhân có thể được điều trị bằng một liệu pháp hoặc kết hợp nhiều liệu pháp cùng lúc.Đây cũng có thể là một phần của kế hoạch điều trị bao gồm phẫu thuật và/hoặc xạ trị.

Những loại thuốc điều trị ung thư được đánh giá liên tục. Trao đổi với bác sĩ điều trị là cách tốt nhất để hiểu về loại thuốc được sử dụng điều trị, tác dụng chính, tác dụng phụ có thể có hoặc tương tác giữa các loại thuốc với nhau. Nói với bác sĩ bất kì thuốc, thực phẩm chức năng, vitamin nào mà bạn đang sử dụng vì chúng có thể có tương tác với thuốc điều trị ung thư.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích là điều trị nhắm vào gen, protein đặc trưng của ung thư hoặc môi trường giúp ung thư tồn tại và phát triển. Mục đích của liệu pháp này là ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của các tế bào ung thư và hạn chế việc tổn thương đến các tế bào lành.

Không phải tất cả khối u có chung các đích điều trị.Vì thế các bác sĩ phải thực hiện các xét nghiệm để tìm ra gen, protein hay yếu tố nào tác động đến khối u. Từ đó đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất có thể. Thêm vào đó, các nghiên cứu đang tiếp tục tìm ra nhiều hơn nữa những biến đổi đặc trưng ở mức độ phân tử và những phương pháp điều trị tác động trực tiếp đến chúng.

Thuốc ức chế men tyrosine kinase (TKIs) là các loại thuốc nhắm vào các protein đặc hiệu được gọi là kinase, protein này góp phần vào sự tồn tại và phát triển của khối u. TKIs thường dùng để điều trị GIST.

Các loại thuốc được mô tả trong phần này được liệt kê theo thứ tự được phê duyệt bởi FDA. Hãy trao đổi với bác sĩ về các tác dụng phụ có thể gặp ở mỗi thuốc và cách kiểm soát chúng.

Imatinib (Gleevec).

Đây là thuốc điều trị đích đầu tiên được cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị GIST. Đây thường là loại thuốc đầu tay được sử dụng để điều trị GIST. Kể từ khi có thuốc này thì tiên lượng cho bệnh nhân GIST được cải thiện rất nhiều.

Các nghiên cứu đang được thực hiện để tìm ra thời điểm thích hợp sau phẫu thuật sử dụng Imatinib để giúp trì hoãn hay ngăn chặn u tái phát và Imatinib là thuốc duy nhất được dùng với mục đích này. Nếu GIST đã di căn, để giúp kiểm soát khối u bệnh nhân nên sử dụng imatinib trong suốt thời gian sống còn lại.

Liều thông thường của imatinib là 400 mg/ngày. Đối với một số bệnh nhân liều có thể được nâng lên 800 mg/ngày, đặc biệt là đối với những người có đột biến exon 9 trong gen KIT.

Imatinib có một số tác dụng phụ phổ biến mà chúng ta có thể kiểm soát được bằng cách điều chỉnh liều cho phù hợp hoặc phối hợp thêm với các thuốc khác. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là tụ dịch, phát ban, buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi và đau cơ nhẹ. Tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng hiếm gặp bao gồm chảy máu và viêm gan. Nhiều tác dụng phụ có thể được kiểm soát với sự giúp đỡ của nhóm chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, một số tác dụng phụ sẽ giảm dần theo thời gian. Những người có tác dụng phụ nghiêm trọng có thể giảm tới liều tối thiểu mà vẫn có tác dụng. Nếu bạn muốn ngừng điều trị vì các tác dụng phụ, hãy trao đổi với nhóm chăm sóc sức khỏe để tìm hiểu xem đây có phải là lựa chọn tốt nhất hay không.

Sunitinib (Sutent).

Sunitinib là một TKI hoạt động theo nhiều cách khác nhau để làm chậm sự tăng trưởng của khối u. Sunitinib cũng làm bất hoạt cả gen KIT và quá trình tân sinh mạch. Sunitinib để điều trị u GIST trong cả trường hợp điều trị bằng imatinib thất bại. Hoặc sử dụng thay thế khi điều trị bằng imatinib có tác dụng phụ quá nghiêm trọng kể cả khi ở liều thấp.

Tác dụng phụ của sunitinib bao gồm mệt mỏi, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, ợ nóng, thay đổi vị giác, cao huyết áp, giảm các tế bào máu và thay đổi màu da.

Regorafenib (Stivarga).

Regorafenib (Stivarga) là một TKI tác dụng theo nhiều cách khác nhau để làm chậm sự phát triển của khối u, bao gồm ức chế phân tử KIT và ức chế quá trình tân sinh mạch tại các khối u. Thuốc được phê duyệt vào năm 2013 cho những người bị GIST giai đoạn muộn mà không thể phẫu thuật cắt bỏ và khi dùng imatinib và sunitinib đều không có tác dụng hoặc gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Tác dụng phụ của regorafenib bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, hội chứng tay chân, huyết áp cao, tiêu chảy và viêm gan.

Larotrectinib (Vitrakvi).

Dưới 1% ung thư mô mềm có đột biến gen tyrosine kinase trong thụ thể thần kinh (NTRK). Larotrectinib (Vitrakvi) là một thuốc ức chế thụ thể NTRK được phê duyệt cho bất kỳ ung thư nào có đột biến đặc trưng trong gen NTRK. Những đột biến NTRK, KIT, PDGFR, SDH, RAF không thấy trong các loại GIST phổ biến.

Các tác dụng phụ phổ biến của thuốc ức chế thụ thể NTRK gồm: mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, nôn, tăng men gan, ho, táo bón và ỉa chảy.

Avapritinib (Ayvakit).

Avapritinib là một TKI nhắm trúng đích ở các khối u có đột biến đặc hiệu trong gen của thụ thể alpha yếu tố tăng trưởng tiểu cầu (PDFGRA) exon 18. Thuốc được FDA phê duyệt để điều trị GIST di căn có đột biến PDFGRA exon 18 nhưng không thể điều trị bằng phẫu thuật.

Tác dụng phụ phổ biến của Avapritinib gồm: Sưng nề, buồn nôn, mệt mỏi, giảm sự tập trung, trí nhớ, suy nghĩ khó khăn, nôn, mất vị giác, ỉa chảy, thay đổi màu tóc, tăng tiết nước máy, đau bụng, táo bón, phát ban, và choáng ngất.

Ripretinib (Qinlock).

Ripretinib là TKI được chấp nhận để điều trị GIST tiến triển nếu trước đó bệnh nhân đã được điều trị với ít nhất là 3 TKI bao gồm Imatinib mà khối u không dừng phát triển và lan rộng.

Tác dụng phụ phổ biến: rụng tóc, mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, táo bón, đau cơ, ỉa chảy, mất vị giác, hội chứng tay chân, nôn. Cũng có thể gặp tác dụng phụ nghiêm trọng như: Ung thư da, tăng huyết áp, các bệnh tim mạch.

Hóa trị

Là phương pháp sử dụng thuốc để phá hủy các tế bào ung thư bằng cách ức chế khả năng phát triển và phân chia của chúng. Tuy nhiên, phương pháp hóa trị không có tác dụng với GIST nên không được dùng để điều trị.

Xem thêm bài viết "Những kiến thức cần biết về Hóa trị"

Xạ trị

Xạ trị là việc sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các hạt phân tử khác để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ ngoài là phương pháp xạ trị phổ biến nhất, phương pháp này sử dụng máy phát xạ đặt bên ngoài cơ thể. Khi xạ trị sử dụng ống phóng xạ, nó được gọi là liệu pháp xạ trong hoặc xạ trị áp sát.

Phác đồ xạ trị thường bao gồm tổng liều xạ trong một khoảng thời gian.

Xạ trị thường không được sử dụng để điều trị cho những người bị GIST. Tuy nhiên, có thể được sử dụng để điều trị triệu chứng như giảm đau xương, hoặc làm ngừng chảy máu. Xạ trị có thể phá huỷ cả các tế bào lành và các tế bào khối u.Các tác dụng phụ của xạ trị bao gồm mệt mỏi, phản ứng da nhẹ, đau dạ dày, và tiêu chảy.

Hầu hết các tác dụng phụ sẽ sớm mất đi sau khi kết thúc điều trị.

Xem thêm bài viết về "Xạ trị"

Những tác động của bệnh ung thư lên thể chất, tâm lý và xã hội của bệnh nhân

GIST và việc điều trị GIST thường gây ra các triệu chứng thực thể và các tác dụng phụ và cả các vấn đề về cảm xúc, xã hội, và tài chính. Quản lý tất cả các vấn đề này gọi là chăm sóc giảm nhẹ. Ngoài việc điều trị nhằm làm chậm, ngừng hoặc loại bỏ khối u,thì đây cũng là một phần quan trọng của điều trị.

Chăm sóc giảm nhẹ tập trung vào việc cải thiện cảm xúc của người bệnh trong suốt quá trình điều trị bằng cách kiểm soát triệu chứng, giúp đỡ bệnh nhân, và thành viên trong gia đình họ giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống,hỗ trợ bệnh nhân và gia đình của họ. Bất kỳ người nào, bất kể tuổi tác hoặc loại u hay giai đoạn bệnh nào, đều có thể được chăm sóc giảm nhẹ. Việc chăm sóc giảm nhẹ nên được bắt đầu càng sớm càng tốt, ngay khi được chẩn đoán ung thư. Những bệnh nhân được chăm sóc giảm nhẹ cùng với điều trị ung thư sẽ ít bị ảnh hưởng của tác dụng phụ hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn, bệnh nhân hài lòng với điều trị hơn.

Xem thêm bài viết về “Ứng phó với những bất ổn về tinh thần khi bị ung thư”

Phương pháp điều trị giảm nhẹ rất rộng và thường bao gồm thuốc, thay đổi dinh dưỡng, kỹ năng thư giãn, hỗ trợ cảm xúc và tâm linh và các liệu pháp khác. Bạn cũng có thể nhận được phương pháp điều trị giảm nhẹ tương tự như những phương pháp để tiêu diệt khối u, chẳng hạn như điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hoặc xạ trị.

Trước khi bắt đầu điều trị, hãy trao đổi với bác sĩ về mục tiêu của mỗi phương pháp điều trị trong kế hoạch điều trị và các tác dụng phụ có thể có của kế hoạch điều trị cụ thể và các lựa chọn chăm sóc giảm nhẹ.

Trong quá trình điều trị, hãy thông báo cho bác sĩ của bạn hoặc nhóm chăm sóc sức khỏe những vấn đề bạn đang gặp phải bao gồm các triệu chứng hoặc các tác dụng phụ để được giải quyết càng nhanh càng tốt.Điều này cũng giúp ngăn chặn các vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra trong tương lai.

Điều trị GIST theo giai đoạn

Mỗi giai đoạn GIST có thể có phương pháp điều trị khác nhau. Bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị cụ thể cho người bệnh dựa vào giai đoạn khối u và các yếu tố khác. Trong phần này sẽ mô tả chi tiết mỗi cách điều trị. Thử nghiệm lâm sàng cũng là một lựa chọn điều trị cho mỗi giai đoạn.

GIST giai đoạn khu trú tại chỗ.

Giai đoạn khu trú là khi khối u chỉ có ở nơi mà nó phát sinh. U GIST tại chỗ càng nhỏ thì khả năng cắt bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật càng lớn. Trong một số trường hợp chỉ cần phẫu thuật là đủ.

Nếu khối u lớn hoặc đã lan sang cơ quan lân cận, đầu tiên cần điều trị đích bằng Imatinib. Mục đích để thu nhỏ khối u để phẫu thuật được thuận lợi hơn. Cách điều trị này được gọi là điều trị tân bổ trợ. Phẫu thuật viên sẽ cố gắng để cắt bỏ toàn bộ khối u làm giảm nguy cơ tái phát hoặc tắc ống tiêu hoá.

Để cắt bỏ toàn bộ khối u, bác sĩ phẫu thuật có thể phải cắt một phần cơ quan lân cận, tuỳ thuộc vào vị trí khối u. Việc nạo vét hạch thường không cần vì GIST thường không lan tới hạch. Hạch là cơ quan nhỏ hình hạt đậu giúp cơ thể chống nhiễm khuẩn. Đối với u GIST tại chỗ không thể cắt được bằng phẫu thuật sẽ được điều trị đích.

GIST sau phẫu thuật có khả năng tái phát và di căn tới cơ quan khác.Vài loại GIST có nguy cơ cao tái phát và di căn. Sau phẫu thuật cho GIST tại chỗ, những người có nguy cơ tái phát cao sẽ được điều trị bằng Imatinib ít nhất trong 3 năm để phòng và trì hoãn tái phát và di căn. Hình thức điều trị sau phẫu thuật này được gọi là điều trị bổ trợ.

GIST giai đoạn di căn.

Di căn là khi GIST từ nơi khởi phát lan đến những phần khác trong cơ thể. Nếu điều này xảy ra, bạn nên trao đổi với các bác sĩ có kinh nghiệm trong việc điều trị. Các bác sĩ có thể có những kinh nghiệm khác nhau về kế hoạch điều trị tốt nhất. Các thử nghiệm lâm sàng cũng có thể là một lựa chọn. Nên tìm hiểu thêm về lựa chọn thứ hai trước khi bắt đầu điều trị, để bạn cảm thấy thoải mái với kế hoạch điều trị mình đã chọn. Trong nhiều trường hợp, người mắc GIST di căn có thể sống cuộc sống bình thường trong nhiều năm với điều trị ngoại trú bằng thuốc uống.

Tùy thuộc vào điều trị trước đó, kế hoạch điều trị có thể bao gồm phẫu thuật, dùng TKI liều cao hơn hoặc điều trị thông qua thử nghiệm lâm sàng. Bác sĩ có thể tiếp tục dùng imatinib, regorafenib, hoặc sunitinib, ngay cả khi những thuốc này không có tác dụng hoàn hảo. Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên tiếp tục điều trị với một trong số những loại thuốc này (thường là imatinib) sau khi đã điều trị thử các loại khác và/hoặc sau khi các loại khác mất tác dụng. Nói chung, điều trị đích cho GIST vẫn tốt hơn là không điều trị. Chăm sóc giảm nhẹ cũng sẽ rất quan trọng để giúp giảm các triệu chứng và tác dụng phụ.

Đối với hầu hết bệnh nhân, bị chẩn đoán u GIST di căn khiến họ rất căng thẳng và khó chấp nhận. Bệnh nhân và gia đình được khuyến khích chia sẻ suy nghĩ với các bác sĩ, y tá, các nhân viên xã hội, hoặc các thành viên của nhóm chăm sóc sức khỏe hay với các bệnh nhân khác.

Thuyên giảm và khả năng tái phát

Thuyên giảm là khi khối u không còn được phát hiện trong cơ thể và cũng không còn triệu chứng. Điều này cũng được gọi là “không có bằng chứng về bệnh” hoặc “NED”.

Thuyên giảm có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Vì không chắc chắn nên khiến nhiều người lo lắng rằng khối u sẽ tái phát. Có nhiều trường hợp thuyên giảm là vĩnh viễn, nên hãy trao đổi với bác sĩ về khả năng tái phát. Hiểu được nguy cơ tái phát và các lựa chọn điều trị có thể giúp bạn cảm thấy sẵn sàng hơn nếu khối u trở lại.

Khối u tái phát trở lại sau đợt điều trị đầu được gọi là khối u tái phát. Vị trí tái phát có thể ở tại nơi khởi phát (được gọi là tái phát tại chỗ), ở vị trí gần đó (tái phát tại vùng), hoặc ở một nơi khác (tái phát xa).

Khi điều này xảy ra, một chu kỳ xét nghiệm mới sẽ bắt đầu lại để biết được thêm nhiều thông tin hơn về sự tái phát. Sau khi các xét nghiệm này được thực hiện, bạn và bác sĩ sẽ thảo luận về các lựa chọn điều trị. Thường thì kế hoạch điều trị sẽ bao gồm các phương pháp điều trị được mô tả ở trên, chẳng hạn như phẫu thuật và điều trị đích. Tuy nhiên, có thể kết hợp các phương pháp khác nhau hoặc thực hiện ở các liều khác nhau. Bác sĩ có thể đề xuất các thử nghiệm lâm sàng đang nghiên cứu những cách mới để điều trị loại khối u tái phát này. Cho dù bạn chọn điều trị như thế nào, thì chăm sóc giảm nhẹ giữ vai trò quan trọng trong việc giảm các triệu chứng và tác dụng phụ.

Những người bị GIST tái phát hoặc di căn thường có những cảm xúc hoài nghi hoặc sợ hãi. Vì vậy bệnh nhân được khuyến khích chia sẻ cảm xúc của mình với nhóm chăm sóc sức khỏe và tham khảo các dịch vụ hỗ trợ để giải quyết các vấn đề này.

Nếu điều trị không hiệu quả

Không phải lúc nào GIST cũng được chữa khỏi. Nếu sự tăng trưởng của khối u không thể kiểm soát được, bạn có thể không bao giờ hết bệnh được. Tình trạng này được gọi là giai đoạn cuối.

Đây là chẩn đoán nặng nề và đối với nhiều người khi mắc ung thư ở giai đoạn tiến triển thì việc thảo luận rất khó khăn. Tuy nhiên, trò chuyện cởi mở và chân thành với bác sỹ điều trị để bày tỏ cảm xúc, sở thích và những lo lắng của bạn là điều quan trọng. Đội ngũ chăm sóc sức khỏe sẵn sàng giúp đỡ, và họ có kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức đặc biệt để hỗ trợ bệnh nhân và gia đình của họ. Cần đảm bảo mỗi người bệnh có thể chất thoải mái, thoát khỏi đau đớn, và được trợ giúp tinh thần.

Bệnh nhân được tiên lượng sống dưới 6 tháng có thể cân nhắc việc chăm sóc giảm nhẹ. Chăm sóc giảm nhẹ được thiết kế để bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể ở giai đoạn gần cuối đời. Bạn và gia đình bạn được khuyến khích nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe về lựa chọn chăm sóc giảm nhẹ. Chăm sóc giảm nhẹ bao gồm chăm sóc giảm nhẹ tại nhà, ở một trung tâm chăm sóc giảm nhẹ đặc biệt hoặc các địa điểm chăm sóc sức khỏe khác. Việc chăm sóc và thiết bị đặc biệt có thể khiến cho việc ở nhà trở thành một lựa chọn khả thi đối với nhiều gia đình.

Sau cái chết của một người thân, nhiều người cần sự hỗ trợ để giúp họ vượt qua mất mát.

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.net/cancer-types/gastrointestinal-stromal-tumor-gist

Biên dịch - Hiệu đính

ThS. BS. Nguyễn Thị Hợi
Đánh giá:
Đang tải ...

Bài viết liên quan

Bảo tồn khả năng sinh sản đối với phụ nữ mắc ung thư

(44)
Người dịch: Hà Xuân Nam Hiệu đính: Ths. Bs. Nguyễn Hải Nam, Lê Hà Cảnh Châu Được chấp thuận bởi Ban biên tập Cancer.Net, tháng 4/2018 Được chấp thuận bởi ... [xem thêm]

Ho ở bệnh nhân ung thư

(51)
Lược dịch: BS. Lê Hữu Nhật Minh, BS. Đặng Quang Vinh Hiệu đính: Phạm Nguyên Quý Được chấp thuận bởi Ban biên tập Cancer.Net, tháng 1/2018 Được chấp thuận ... [xem thêm]

Ung thư vú tiểu thùy xâm nhập

(42)
Người dịch: Phùng Thị Hương, Hoàng Thu Hà Hiệu đính: BS. Lê Thành Chung – Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội Bài viết này dành cho những người muốn biết thêm ... [xem thêm]

Khi bạn là người trưởng thành trẻ tuổi hoặc thanh thiếu niên mắc ung thư

(49)
Biên dịch: Hoàng Mạnh Cường Hiệu đính: Ths.Bs Nguyễn Hải Nam, Lê Hà Cảnh Châu Được chấp thuận bởi Ban biên tập Cancer.Net, tháng 06/2019 Được chấp thuận ... [xem thêm]
Đang tải ...

U mô đệm đường tiêu hóa (GIST) – Những câu bệnh nhân nên hỏi đội ngũ chăm sóc y tế

(67)
Biên dịch: Phùng Ngọc Dung; Phan Thị Thu Hiền; Dương Thị Bích Ngọc Hiệu đính: Ths.Bs Nguyễn Thị Hợi – Khoa Nội soi Thăm dò chức năng Bệnh viện Ung Bướu Hà ... [xem thêm]

U mô đệm đường tiêu hóa (GIST) – Chăm sóc sau điều trị

(89)
Biên dịch: Phùng Ngọc Dung; Phan Thị Thu Hiền; Dương Thị Bích Ngọc Hiệu đính: Ths.Bs Nguyễn Thị Hợi – Khoa Nội soi Thăm dò chức năng Bệnh viện Ung Bướu Hà ... [xem thêm]

Ung thư và khả năng sinh sản: Những câu hỏi cần thiết

(35)
Biên dịch: Hoàng Mạnh Cường Hiệu đính: Trần Thị Kim Vân, Lê Hà Cảnh Châu Được chấp thuận bởi Ban biên tập Yhoccongdong.com, tháng 12/2019 Danh sách những câu ... [xem thêm]

Ung thư dạ dày xâm nhiễm di truyền

(92)
Biên dịch: Nguyễn Tấn Khanh Hiệu đính: TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Thơ Ung thư dạ dày xâm nhiễm di truyền là gì? Ung thư dạ dày xâm nhiễm di truyền (HDGC) là một ... [xem thêm]
Đang tải ...

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN

Đang tải ...