Bài 12 – Khi bạn quyết định có thai

(3.85) - 36 đánh giá

Chào mừng bạn đến với phần mở đầu của một hành trình làm cuộc đời bạn thay đổi hoàn toàn – đó là lúc bạn quyết định sẽ có con. Mang thai – sinh con là một bước ngoặc lớn lao trong cuộc đời của mỗi phụ nữ, nếu không có sự chuẩn bị, mọi thứ sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều lần.

Để sinh ra một đứa trẻ khoẻ mạnh, điều bạn cần làm trước hết là lên kế hoạch cho việc có con. Ngoài công việc, tài chính, chuẩn bị sức khoẻ là bước vô cùng quan trọng không thể bỏ qua. Mục tiêu của quá trình thăm khám này nhằm xác định những yếu tố có thể ảnh hưởng đến thai nhi, điều trị bệnh lý hiện có và dự phòng những bệnh có nguy cơ truyền cho bé. Một vài điều quan trọng:

Bệnh truyền nhiễm và tiêm phòng

Một số bệnh truyền nhiễm nếu mắc phải khi bạn mang thai có khả năng làm bé bị dị tật hay mắc bệnh suốt đời. Và may thay, một số bệnh đã có vắc–xin (vaccine) dự phòng. Câu chuyện về vắc-xin là câu chuyện rất dài: được chế tạo từ đâu, hiệu quả ra sao, chi phí thế nào…mà nếu kể ra đây, tôi sợ bài viết này thành phiên bản chữ của “Cô dâu 8 tuổi”, nghĩa là nói mãi không hết. Điều tôi muốn bạn lưu tâm là, một số vắc-xin cần phải tiêm trước khi có thai một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ như tiêm phòng bệnh Sởi – quai bị – Rubella (MMR) cần phải tiêm trước khi có thai ít nhất 01 tháng, được khuyến cáo là 03 tháng. Đừng bao giờ chủ quan việc này, vì trường hợp sau tiêm ngừa chưa bao lâu lại phát hiện mình có thai là không ít, và sau đó phập phồng lo sợ, tính tới tính lui ngày thụ thai, ngày tiêm phòng, rồi giữ thai mà lúc nào cũng “sống trong sợ hãi”. Trước khi tiêm thuốc, bạn nên tìm hiểu hay hỏi kỹ khoảng thời gian an toàn sau tiêm để mang thai.

Bệnh truyền nhiễm gây hại cho thai cần kể đến nữa là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Mấy bệnh này thường ít được dịch ra tiếng Việt mà để nguyên tên tác nhân gây bệnh, nghe “sang trọng” gì đâu mà tác hại thì khôn lường. Ví dụ Chlamydia, Herpes, Trichomonas, HIV…Một số bệnh bạn có thể đã nghe qua là viêm gan siêu vi B, lậu, giang mai…Xét nghiệm tầm soát mấy bệnh này cho bạn và chồng bạn không nhằm mục đích nghi ngờ, mất đoàn kết mà nhằm điều trị trước khi có thai để không ảnh hưởng đến con bạn nếu chẳng may mắc phải.

Xem thêm bài Vaccine trong thai kỳ của Ths. BS. Nguyễn Hoàng Long Võ Ngọc Tú

Tiền sử bệnh tật của gia đình

Một số bệnh lý có thể di truyền cho con cái theo lý thuyết “định mệnh”, gọi chung là bệnh di truyền. Khi thăm khám trước khi có thai, bạn nên cung cấp thông tin những bệnh lý mà gia đinh bạn hay chồng bạn mắc phải. Dựa trên thông tin này, bác sĩ sẽ có giải pháp để xác định xem con bạn có khả năng bị giống vậy hay không; nếu được sẽ tìm cách phòng tránh.

Bệnh lý sẵn có

Thông tin quan trọng cần cung cấp cho bác sĩ khi khám trước có thai là những bệnh bạn đã – đang mắc phải, đặc biệt là những bệnh phải uống thuốc hay điều trị lâu dài như tiểu đường, cao huyết áp, hen suyễn, bệnh tim…Khi mang thai, ngoài việc ảnh hưởng qua lại giữa thai kỳ và bệnh lý của bạn (bệnh ảnh hưởng đến thai hoặc thai làm bệnh nặng hơn), bác sĩ sẽ giải thích cho bạn hiện tại có an toàn khi mang thai hay không, trong khi có thai bạn cần làm gì.

Tôi rất cảm động khi đọc những câu chuyện về những bà mẹ sẵn sàng chấp nhận mọi điều – kể cả tính mạng để con chào đời, nhưng thật tình không ủng hộ. Không ai thay thế được mẹ trên đời này, và hơi bất công khi bạn quyết định thay con mình. Giả sử, mẹ bạn hỏi “mẹ hy sinh tính mạng mẹ để sinh con”, bạn đồng ý không? Vì vậy, để không ai thiệt thòi, bạn nên quan tâm đến sức khoẻ và tính mạng của mình trước, để còn yêu thương và chăm sóc con mình.

Thuốc đang sử dụng

Với tình trạng thuốc mua dễ dàng như hiện nay, bạn phải luôn đặt câu hỏi “thuốc này có ảnh hưởng đến thai không?”. Thuốc không cần toa, thảo dược…hoàn toàn có thể gây hại cho con bạn. Ví dụ, thuốc trị mụn isotrtinoin có thể gây dị tật thai nhi nặng. Một số viên đa sinh tố “uống cho khoẻ” chứa hàm lượng Vitamin A cao hay vô tình uống nhiều loại thuốc chứa hàm lượng vitamin giống nhau có thể quá liều cho phép đều gây tác hại đến thai. Tốt nhất trong trường hợp bạn có đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, khi đi khám mang theo vỏ/hộp để bác sĩ kiểm tra và tư vấn chi tiết.

Tiền sử những lần mang thai trước

Nếu đã từng mang thai và gặp trục trặc như sẩy thai, thai lưu, sanh non, bị tăng huyết áp khi có thai, phải mổ lấy thai…, bạn cần cung cấp thông tin chi tiết. Đặc biệt, khi đã từng bị sẩy thai hay thai lưu, bạn nên cho mình một khoảng thời gian bình phục tinh thần và hy vọng vào điều tốt đẹp phía trước. Hầu hết những phụ nữ sẩy thai hay thai lưu đều có cơ hội sanh con bình thường.

Bắt đầu hay duy trì lối sống lành mạnh

Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và hợp lý. Nếu quá gầy hay dư cân, tìm cách đạt cân nặng cho phép. Việc tính xem mình thuộc nhóm cân nặng bình thường dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI). Chỉ số này tính theo công thức: cân nặng (kg): chiều cao (m). Ví dụ: mẹ nặng 55kg và cao 1,6m thì BMI là: 55:1,62= 21,48.

Công cụ tính BMI

https://thucphamcongdong.vn/cong-cu-tinh-chi-so-dinh-duong-bmi-va-bmr.html

  • Nếu: BMI < 18.5: gọi là nhẹ cân
  • Nếu 18.5 – 24.9: cân nặng bình thường
  • Nếu 25 – 29.9: dư cân
  • Nếu BMI ≥ 30: béo phì

Bạn nên

  • Sắp xếp công việc, cho mình thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  • Dừng ngay những thói quen có hại: thức khuya, hút thuốc lá, uống rượu (lòng mừng thầm vì ít phổ biến ở phụ nữ Việt Nam).

Khuyến khích chồng tham gia quá trình chuẩn bị

Đừng quên “một nửa” con mình hình thành từ chồng, do đó, không lý do gì để anh ấy đứng ngoài sự chuẩn bị này. Một vài “bí kíp” là nấu món ngon, lành mạnh; tìm cách thuyết phục anh ấy bỏ thuốc lá, hạn chế bia rượu; rủ rê anh ấy đi xét nghiệm máu tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Xem thêm bài Ông bố tương lai cần làm gì? của BS. Lê Tiểu My

Khi mọi thứ đã sẵn sàng, bạn dừng các biện pháp tránh thai và chờ ngày đón nhận tin tốt lành!

Tài liệu tham khảo

https://www.facebook.com/tieumy.le.35/posts/1023202967776287

Biên dịch - Hiệu đính

BS. Lê Tiểu My
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Nội soi buồng tử cung

(36)
Nội soi buồng tử cung là gì? Nội soi buồng tử cung là một thủ thuật được dùng để chẩn đoán hoặc điều trị một số bệnh lý của tử cung. Dụng ... [xem thêm]

Làm thế nào để có mái tóc khỏe đẹp trong thời kì mang thai

(59)
Chăm sóc tóc trong thai kì Trong thai kỳ, do thay đổi của nội tiết nên cơ thể người mẹ có nhiều vấn đề cần được quan tâm. Chăm sóc tóc đúng cách khi mang ... [xem thêm]

Tiền sản giật và Cao huyết áp thai kỳ

(88)
Huyết áp cao là gì? Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành mạch máu mỗi khi tim co bóp (ép) để bơm máu qua cơ thể bạn (xem FAQ123 Điều trị Huyết ... [xem thêm]

Bài 7 – Sẩy thai sớm

(97)
Sẩy thai – cái từ nghe thôi là thấy “khủng khiếp” – bất kể là ai – nhất là những ai đang mong chờ một đứa trẻ. Thai tự nhiên đã đành – thai gian ... [xem thêm]

Xét nghiệm chẩn đoán di truyền trước sinh

(38)
Xét nghiệm di truyền trước sinh cung cấp bố mẹ thông tin liệu thai nhi có mắc rối loạn di truyền hay không Rối loạn di truyền là gì? Rối loạn di truyền xảy ... [xem thêm]

Sử dụng thuốc trong thai kỳ

(93)
Biên dịch: Trần Hà Minh Trung, Trần Thị Thu Hiệu đính: BS. Bùi Thị Phương Loan Nếu bạn đang mang thai hoặc đang dự định có thai và muốn có một em bé khỏe ... [xem thêm]

Vitamin trong thai kỳ

(57)
Biên dịch: Nguyễn Thúy Vân – Phạm Thiên Trang Hiệu đính: ThS.BS. Trần Mạnh Linh Các khuyến cáo của Viện Y học Hoa Kỳ: Vitamin A Vitamin A, thuộc nhóm vitamin tan ... [xem thêm]

Những điều cần biết trước khi mang thai

(13)
Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai để làm gì? Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai nhằm mục đích để tìm kiếm những yếu tố có thể ảnh hưởng đến ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN