Cách phân biệt bệnh nhồi máu cơ tim và đột quỵ

(4.36) - 64 đánh giá

Nhồi máu cơ tim và đột quỵ đều là những bệnh xảy ra đột ngột. Tuy vậy, chúng cũng có nhiều điểm khác nhau. Việc nhận biết các đặc điểm riêng biệt này sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong quá trình giúp đỡ và sơ cứu cho bệnh nhân.

Triệu chứng của nhồi máu cơ tim và đột quỵ

Các triệu chứng của nhồi máu cơ tim và đột quỵ đều phụ thuộc vào:

  • Mức độ nghiêm trọng của bệnh
  • Tuổi tác
  • Giới tính
  • Sức khỏe tổng thể của bệnh nhân

Triệu chứng của nhồi máu cơ tim

  • Đau ngực
  • Đau hàm, lưng, cánh tay và bàn tay trái kéo dài nhiều phút hoặc biến mất rồi lại xuất hiện
  • Khó thở
  • Đổ mồ hôi
  • Buồn nôn và nôn
  • Lo lắng
  • Chóng mặt
  • Tim đập nhanh

Triệu chứng của đột quỵ

Những triệu chứng của đột quỵ rất dễ phát hiện, chẳng hạn như:

  • Đột nhiên bị tê liệt hoặc đuối sức, đặc biệt là ở một nửa cơ thể
  • Khó phát âm hoặc đầu óc lẫn lộn, không hiểu được người khác nói
  • Một mắt nhìn không rõ
  • Đi loạng choạng, chóng mặt hoặc mất thăng bằng
  • Đau đầu trầm trọng mà không rõ nguyên nhân

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim và đột quỵ đều là do động mành bị tắc nghẽn.

Nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim

Cơn nhồi máu cơ tim xảy ra khi động mạch vành dẫn máu chứa oxy đến tim bị thu hẹp đến mức tắc nghẽn nghiêm trọng. Sự tắc nghẽn này là do huyết khối và các mảng bám cholesterol tích tụ trong động mạch vành (mạch máu xung quanh tim, làm nhiệm vụ vận chuyển máu chứa oxy đến tim).

Nguyên nhân gây ra đột quỵ

Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra đột quỵ là do não bị thiếu máu cục bộ. Các tác nhân làm cho não bị thiếu máu là:

  • Huyết khối trong động mạch não cắt đứt lưu lượng máu thông lên não
  • Các động mạch cảnh mang máu đến não bị tích tụ mảng bám

Một loại đột quỵ khác có tên là đột quỵ xuất huyết. Bệnh xảy ra do huyết áp cao làm căng các thành động mạch, khiến cho một mạch máu trong não vỡ ra và máu rò rỉ vào các mô xung quanh.

Yếu tố nguy cơ

Yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim và đột quỵ là như nhau, chúng bao gồm:

  • Hút thuốc lá
  • Mức cholesterol trong máu cao
  • Cao huyết áp
  • Tuổi tác
  • Tiền sử bệnh gia đình

Chẩn đoán nhồi máu cơ tim và đột quỵ như thế nào?

Để chẩn đoán đột quỵ, bác sĩ phải tìm hiểu về các triệu chứng của bệnh nhân cũng như tiền sử bệnh trước đây của họ. Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ, bác sĩ sẽ tiến hành chụp CT não hoặc MRI nhằm xác định nguyên nhân cũng như vị trí não bị ảnh hưởng, từ đó có hướng điều trị thích hợp.

So với chẩn đoán đột quỵ, các xét nghiệm dành cho bệnh nhồi máu cơ tim có khác một chút. Đó là:

  • Điện tâm đồ
  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm men tim
  • Siêu âm tim

Cách điều trị

Điều trị nhồi máu cơ tim

Đôi khi, thay đổi lối sống và thuốc men cũng là một cách điều trị nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, người bệnh có thể phải làm phẫu thuật ghép động mạch vành (CABG) hoặc nong mạch vành bằng stent.

Phẫu thuật ghép động mạch vành (CABG), tên gọi khác là phẫu thuật bắc cầu, là phương pháp lấy một mạch máu từ một bộ phận khác của cơ thể để thay thế cho phần động mạch đang bị tắc nghẽn.

Trong phẫu thuật nong mạch vành bằng stent, bác sĩ sẽ sử dụng một ống thông nhỏ có gắn bóng và giá đỡ kim loại (stent) đưa qua động mạch đùi hoặc động mạch quay ở cổ tay, đi đến động mạch vành của người bệnh. Khi đến vị trí bị tắc nghẽn, bóng được thổi phồng lên để mở rộng lòng mạch và đưa giá đỡ kim loại vào nhằm duy trì sự lưu thông của mạch máu.

Sau một cơn nhồi máu cơ tim, bạn sẽ phải tham gia các buổi trị liệu phục hồi chức năng tim. Trị liệu phục hồi chức năng tim thường kéo dài vài tuần, bao gồm các bài tập thể dục tốt cho tim, những buổi hướng dẫn về chế độ ăn uống cũng như lối sống tốt cho tim mạch.

Điều trị đột quỵ

Lối sống lành mạch giúp ích nhiều cho bệnh nhân đột quỵ. Nếu bạn bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ, bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng chất kích hoạt plasminogen mô (tPA), giúp phá vỡ cục máu đông. Họ cũng có thể sử dụng các thiết bị để lấy cục máu đông ra khỏi mạch máu.

Đối với đột quỵ do xuất huyết, bác sĩ tiến hành phẫu thuật sửa chữa các mạch máu bị hỏng hoặc sử dụng một cái kẹp đặc biệt để cố định lại các mạch máu bị đứt.

Sơ cứu cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim và đột quỵ

Sơ cứu cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim

Khi bạn gặp một người nghi ngờ lên cơn nhồi máu cơ tim, việc sơ cứu kịp thời và đúng cách sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cứu tính mạng người bệnh.

Đầu tiên, cần giảm gánh nặng cho tim bằng cách để bệnh nhân ở tư thế nửa nằm nửa ngồi. Nới lỏng quần áo ở cổ, ngực và bụng. Sau đó, thực hiện các bước sau:

Bước 1: Gọi cấp cứu ngay lập tức

Trong khi chờ đợi xe cứu thương, bạn cần:

  • Giữ mọi người đứng xa bệnh nhân
  • Cho bệnh nhân dùng aspirin hoặc nitroglycerin

Bước 2: Áp dụng phương pháp ép tim

  • Để bệnh nhân trên mặt phẳng chắc chắn
  • Người thực hiện quỳ gối phía bên trái bệnh nhân
  • Đặt hai bàn tay ở trước tim, ấn sâu xuống sau đó nới lỏng tay
  • Thực hiện đều đặn mỗi giây 1 lần

Bước 3: Hô hấp nhân tạo

  • Để bệnh nhân ở nơi thoáng đãng
  • Nới rộng quần áo người bệnh, kiểm tra dị vật trong miệng nếu có
  • Nâng đầu bệnh nhân lên, để cổ hơi ngửa ra sau
  • Bịt mũi người bệnh, dùng miệng thổi không khí qua miệng của bệnh nhân

Sơ cứu cho bệnh nhân lên cơn đột quỵ

Bước 1: Gọi cấp cứu.

Bước 2: Đặt người bệnh nằm nghiêng một bên, nới rộng quần áo, thắt lưng, khăn quàng…

Bước 3: Liên tục kiểm tra tình trạng người bị đột quỵ.

  • Nếu bệnh nhân ngừng tim, áp dụng phương pháp ép tim
  • Trường hợp bệnh nhân bị nôn, cần xoay người bệnh sang một bên, tránh đờm, dãi chui vào mũi, phổi…
  • Trong thời điểm chờ cấp cứu, người nhà không nên cho người bệnh ăn hay uống bất cứ thứ gì vì nguy cơ bị sặc, gây nghẹt đường thở rất cao

Bước 4: Ghi chú những loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng hoặc mang theo đơn thuốc đó đến bệnh viện cấp cứu cùng bệnh nhân.

Phòng ngừa nhồi máu cơ tim và đột quỵ

Các cách ngăn ngừa đột quỵ sẽ giúp làm giảm khả năng bị nhồi máu cơ tim, chúng bao gồm:

  • Kiểm soát mức cholesterol và huyết áp
  • Không hút thuốc
  • Duy trì cân nặng
  • Hạn chế uống rượu
  • Kiểm soát lượng đường trong máu
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Chế độ ăn ít chất béo bão hòa, đường và natri.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Vì sao bạn phải đề phòng hội chứng suy tế bào gan?

(17)
Hội chứng suy tế bào gan là thuật ngữ mô tả tình trạng suy giảm các chức năng của gan. Những người rơi vào trường hợp này rất dễ gặp phải bệnh não ... [xem thêm]

Xoắn tinh hoàn

(31)
Định nghĩaXoắn tinh hoàn là bệnh gì?Tinh hoàn là bộ phận của tuyến sinh dục nam nằm ở bìu dái. Nó có vai trò sản xuất và dự trữ tinh trùng, đồng thời ... [xem thêm]

Hội chứng Peter Pan

(84)
Tìm hiểu chungHội chứng Peter Pan là gì?Hội chứng Peter Pan ảnh hưởng đến những người không muốn hoặc cảm thấy không thể trưởng thành, những người có ... [xem thêm]

Bật mí 6 nguyên nhân gây nên chứng lóa mắt

(52)
Chứng lóa mắt có mối liên hệ với nhiều vấn đề sức khỏe ở mắt và đầu, chẳng hạn như thoái hóa điểm vàng, bong võng mạc, đau nửa đầu ảnh hưởng ... [xem thêm]

Hiểu rõ về các loại mụn để có cách điều trị đúng

(33)
Khá nhiều bạn gái đang ngày đêm khổ sở vì những đốm mụn. Song thay vì đi khám da liễu để được tư vấn cách chữa trị đúng đắn, họ lại tự ý sử ... [xem thêm]

[Ảnh động] Vòng 3 hoàn hảo đâu chỉ nhờ squat

(98)
Hiện nay, trào lưu tập squat để hướng đến vòng 3 săn chắc và đầy đặn đã không còn xa lạ đối với những nàng yêu tập luyện thể thao, mong muốn một ... [xem thêm]

9 lỗi cơ bản nhưng cực nguy hiểm khi chơi boxing

(41)
Boxing đang là một trong những môn thể thao hot nhất hiện tại. Với đấm bốc, bạn có thể đốt cháy 100 calo chỉ trong khoảng thời gian ngắn hơn 15 phút. Thật ... [xem thêm]

Làm rõ mối liên hệ giữa giãn tĩnh mạch thừng tinh với vô sinh

(31)
Nhiều nam giới có các tĩnh mạch ở bìu. Các bác sĩ gọi tình trạng này là giãn tĩnh mạch thừng tinh. Xuất hiện ở vị trí nhạy cảm, vậy giãn tĩnh mạch ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN