Đang tải ...
Đang tải ...
Đang tải ...
Đang tải ...
Đang tải ...
Đang tải ...
Đang tải ...
Đang tải ...
Loading ...

Nhận biết con có bình thường không sau khi chào đời

(4.5) - 92 đánh giá

Lần đầu làm bố mẹ, chắc hẳn bạn hồi hộp và mong chờ gặp bé cưng của mình. Khi ôm bé trong lòng, bạn sẽ nhận ra con có bình thường không qua một số dấu hiệu. Hãy cùng Chúng tôi theo dõi những chia sẻ dưới đây để hiểu thêm về những đặc điểm của bé mới sinh nhé.

Khi xem tivi, bạn sẽ thấy cảnh sinh nở diễn ra rất đơn giản. Sau vài tiếng rên la của người mẹ, một bé cưng xinh xắn sẽ xuất hiện trong vòng tay của mình. Thế nhưng, thực tế không phải vậy, đứa bé mới sinh thường nhăn nhúm, gầy guộc, xanh xao và đầy máu.

Bạn đừng quá ngạc nhiên về điều này bởi khi còn ở trong bụng mẹ, bé chủ yếu sống trong môi trường toàn nước và bị bó hẹp trong một không gian chật chội. Bên cạnh đó, trong quá trình sinh nở, bé cũng đã phải trải qua những khó khăn lớn mới đặt chân được đến thế giới này. Thậm chí, có nhiều ca khó sinh, bác sĩ còn phải sử dụng đến kẹp để đưa bé ra ngoài. Tuy nhiên, vẻ bề ngoài này chỉ là tạm thời. Trong mắt của bố mẹ, bé cưng của mình luôn dễ thương, đáng yêu nhất.

Khi nào bạn sẽ được ôm bé? Điều này phụ thuộc vào cách sinh, tình trạng của bạn và tình trạng của bé. Nếu bạn sinh thường và không gặp biến chứng sau sinh, bạn có cơ hội ôm bé trong vòng vài phút sau sinh.

Hình thành mối liên kết

Một giờ đầu tiên sau sinh, đa số các bé đều ở trong trạng thái tỉnh táo. Đây là khoảng thời gian tuyệt vời để bạn và bé có thể làm quen với nhau và bắt đầu hình thành một sợi dây liên kết. Tuy nhiên, nếu bạn phải đối mặt với những tình huống khó khăn khiến bạn bỏ lỡ cuộc gỡ gặp này, cũng đừng buồn. Bạn và bé vẫn còn có nhiều thời gian để bên nhau và việc này cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tình cảm giữa bạn và bé. Vài tuần đầu tiên, bạn sẽ thấy tay bé thường nắm chặt, tay chân ở tư thế cong gập như trong bào thai. Những bé sinh non thường có sự khác biệt về tư thế, hoạt động và hành vi so với những bé sinh đủ tháng.

Phản xạ nguyên thủy của trẻ sơ sinh

Trẻ nhỏ được sinh ra với một số bản năng nhất định. Những phản xạ này sẽ biến mất khi bé lớn lên.

  • Phản xạ bú, mút: Bé sẽ làm động tác bú khi có bất cứ đồ vật gì chạm vào miệng bé.
  • Phản xạ cầm nắm bắt: Khi bạn đặt ngón tay hoặc những món đồ vật khác vào lòng bàn tay bé, bé sẽ tự động nắm chặt lại.
  • Phản xạ giật mình: Vung tay chân một cách thình lình rồi nhanh chóng rụt về và bật khóc khi có tiếng động mạnh, cử động đột ngột hoặc những kích thích bất ngờ khác.
  • Ngoài ra, do hệ thần kinh của bé vẫn còn đang phát triển, bé sẽ có thêm một số phản xạ khác, đặc biệt là khi bé khóc hoặc bị kích động.

Ngủ và hô hấp

Những tuần đầu tiên, phần lớn thời gian bé sẽ ngủ. Một số thuốc giảm đau và thuốc gây tê được sử dụng trong quá trình chuyển dạ sẽ khiến bé buồn ngủ trong ngày đầu tiên hoặc thứ hai.

Hô hấp là vấn đề mà nhiều bậc bố mẹ quan tâm, đặc biệt là khi hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ (SIDS) ngày càng tăng. Khi bé thức, bé sẽ hít thở khoảng 60 lần/phút, đặc biệt là khi bé cảm thấy phấn khích hoặc khóc. Bé cũng có thể ngừng thở khoảng 5 – 10 giây rồi thở lại. Điều này thường xảy ra khi bé ngủ. Tuy nhiên, nếu bé bỗng tím tái hoặc ngừng thở lâu hơn, bạn hãy đưa bé đến bệnh viện ngay nhé.

Mặc dù hiện tại bé vẫn chưa nói được nhưng bé sẽ tạo ra một số âm thanh khác ngoài tiếng khóc. Nghẹt mũi và nấc cụt cũng là những vấn đề thường gặp. Tuy nhiên, nó không phải là triệu chứng của nhiễm trùng, dị ứng hoặc các vấn đề về tiêu hóa.

Đầu

Khi sinh, phần đầu của bé sẽ ra trước. Do đó, đầu bé thường dễ bị ảnh hưởng trong quá trình sinh. Xương sọ của bé do các xương mềm tạo thành để giúp bé dễ dàng di chuyển qua ống sinh.

1. Đầu móp méo

Nếu sinh thường, đầu của bé trông có vẻ hơi méo hoặc nhọn ra trước, nhất là trong trường hợp bé được sinh bằng giác hút hoặc bằng kẹp forcep. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Trong quá trình phát triển, đầu bé sẽ trở nên tròn trịa hơn. Nếu sinh mổ, bé sẽ không gặp phải trường hợp này.

2. Thóp đầu

Phần đỉnh đầu của bé có một phần xương chưa khép hoàn toàn gọi là thóp đầu hoặc cửa đỉnh đầu. Nhiều người nghĩ rằng thóp đầu chỉ có một phần duy nhất nhưng thực ra nó có đến 2 phần. Phần thóp trước có hình thoi, rộng từ 2,5 – 7,5cm, là khe hở giữa xương trán và xương đỉnh đầu. Phần thóp sau nhỏ hơn, có hình tam giác, là khe hở giữa xương đỉnh đầu và xương chẩm (là một xương da sọ và là xương chính của chẩm – phần sau và dưới của hộp sọ).

Mỗi khi bé khóc, thóp vẫn nhô lên. Điều này là hoàn toàn bình thường, bố mẹ không cần lo lắng. Thóp trước sẽ đóng lại sau khoảng từ 12 – 18 tháng, thóp sau sẽ đóng sau thóp trước 6 tháng.

3. Da đầu phù nề

Đầu của bé còn bị một số ảnh hưởng khác trong quá trình sinh nở. Da đầu phù nề (Caput succedaneum) là tình trạng sưng húp trên da đầu. Ngoài ra, bé có thể bị bầm tím hoặc thay đổi màu sắc trên da đầu bị sưng. Nguyên nhân của chứng da đầu phù nề thường được gây ra bởi áp lực của tử cung hoặc âm đạo khi đầu ra trước. Bạn không cần quá lo lắng, tình trạng này sẽ biến mất sau vài ngày.

4. U máu đầu

Đây cũng là một vấn đề thường gặp ở bé mới sinh. Bạn có thể nhìn thấy máu tích tụ ở dưới màng xương của bé (màng xương là một màng che chắn, giúp bảo vệ hộp sọ của bé). Một vài giờ sau sinh, bạn có thể nhận thấy hiện tượng này xuất hiện trên đầu của bé.

Trong đa số trường hợp, đây là tình trạng không gây nguy hiểm và sẽ giảm đi sau một vài tuần hoặc một vài tháng. Máu tụ sẽ được hấp thu ngược lại vào cơ thể và khiến khối u máu biến mất. Tuy nhiên, nếu khối u máu quá lớn thì u máu đầu có thể dẫn đến tình trạng vàng da.

Bạn cũng đừng quá lo lắng, cả hai triệu chứng này đều là những tổn thương bên ngoài hộp sọ, do đó sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến não bé.

Gương mặt

Mặt bé có thể bị sưng do ảnh hưởng từ quá trình sinh. Sau vài ngày, gương mặt bé sẽ có nhiều sự thay đổi khi chất lỏng dư thừa được tích tụ khi còn nằm trong bụng mẹ bị loại bỏ. Đó là lý do tại sao các bức ảnh của bé được chụp sau vài ngày thường rất khác so với bức ảnh được chụp lúc bé vừa chào đời.

Đôi khi, các đặc điểm trên gương mặt của bé sẽ bị biến dạng do áp lực từ quá trình sinh nở. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng bởi mọi thứ sẽ trở lại bình thường trong vài ngày sau đó.

Mắt

Sau khi sinh vài phút, bé sẽ mở mắt ra để quan sát thế giới xung quanh. Bé vẫn có thể nhìn thấy nhưng không thể tập trung vào một điểm quá lâu. Vì vậy, đôi mắt bé nhìn giống như một đường thẳng trong 2 – 3 tháng đầu. Ngoài ra, do mí mắt sưng khiến một số bé không thể mở mắt ngay được.

  • Khi bế bé, bạn có thể khuyến khích bé mở mắt bằng cách tận dụng phản xạ cử động của mắt. Bé thường có khuynh hướng mở mắt nhiều hơn khi được bế ở tư thế thẳng đứng.
  • Đôi khi, bạn sẽ thấy mắt bé đỏ ở cả một hoặc hai bên mắt. Tình trạng này được gọi là xuất huyết kết mạc, xảy ra khi máu bị rò rỉ dưới bao ngoài của nhãn cầu do chấn thương xảy ra khi rặn đẻ. Đây không phải là một tình trạng nguy hiểm và cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến mắt của bé.
  • Với người da đen và người da vàng, nếu khi sinh mắt bé có màu nâu thì chúng vẫn sẽ giữ màu này đến lớn. Đối với người da trắng, đa số các bé khi mới sinh đều có màu mắt xanh hơi xám, nhưng màu này sẽ tối dần và đạt đến màu mắt vĩnh viễn sau 6 tháng.

Tai

Cũng giống các bộ phận khác, tai của bé có thể bị bóp méo khi ở trong tử cung hay trong quá trình rặn đẻ. Thêm vào đó, bé vẫn chưa phát triển các sụn khớp đủ dày giúp định hình khung tai giống người lớn. Do vậy, nếu tai bé bị gập hay biến dạng tạm thời thì cũng không phải là bất thường. Mẹ nên chú ý vuốt tai bé thường xuyên để bé có tai vểnh đẹp.

Mũi

Trẻ sơ sinh thường có xu hướng thở bằng mũi và mũi của bé khá hẹp. Do vậy chỉ một lượng nhỏ chất lỏng hoặc chất nhầy trong mũi cũng có thể làm bé thở to hoặc tắc nghẽn âm thanh ngay cả khi bé không bị cúm. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày và vệ sinh mũi bé bằng tăm bông để lấy ra những chất bẩn bên trong mũi ra.

Hắt hơi là cũng là tình trạng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Đây là phản xạ bình thường và không phải là dấu hiệu của nhiễm trùng, dị ứng…

Miệng

Khi bé há miệng hoặc ngáp, bạn sẽ thấy những chấm như ngọc trai màu trắng, nhỏ xuất hiện ở trên vòm miệng. Tình trạng này được gọi là Epstein’s pearls. Những vết đốm này không nguy hiểm và thường biến mất trong khoảng vài tuần sau đó.

Cổ

Cổ của bé sơ sinh thường ngắn vì nó bị giấu sau đôi má phúng phính và nếp gấp của da.

Ngực

Thành ngực của bé khá là mỏng, do đó bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được nhịp tim của bé. Điều này hoàn toàn bình thường và không có vấn đề gì đáng bận tâm.

Một số trẻ sơ sinh, cả bé trai và bé gái đều có bộ ngực bất thường. Điều này là do bé đã tiếp xúc với hormone estrogen từ mẹ trong suốt thai kỳ. Bạn cũng sẽ cảm nhận được các mô mềm, hình đĩa dưới núm vú và đôi khi sẽ có sữa thoát ra. Những điều này sẽ từ từ biến mất nên bạn không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý ép ngực của bé theo ý của mình.

Tay và chân

Sau khi sinh, bạn sẽ thấy bé có xu hướng nắm chặt tay lại và khó gỡ các ngón tay của bé ra. Khi đặt các đồ vật vào lòng bàn tay bé, phản xạ này sẽ được kích thích một cách mạnh mẽ. Khuỷu tay, hông và đầu gối gập lại, tay và chân được đưa lên. Tư thế này tương tự như khi bé còn ở trong bào thai.

Móng tay

Khi sinh, móng tay của bé có thể đủ dài để làm xước mặt bé. Nếu vậy, bạn hãy cắt móng tay cho bé bằng một cái kềm nhỏ.

Bụng

Bụng của trẻ sơ sinh đa số đều to và căng tròn. Khi bé khóc hoặc căng thẳng, bạn cũng có thể thấy lớp da ở giữa bụng nhô lên giữa các dải mô cơ. Điều này sẽ biến mất sau vài tháng.

Vấn đề chăm sóc dây rốn cho bé cũng khiến nhiều người lo lắng. Dây rốn có chứa ba mạch máu (hai động mạch và tĩnh mạch). Sau khi bé chào đời, dây rốn sẽ được kẹp và cắt tạo thành một góc cuống rốn trên bụng bé. Thông thường, cuống rốn sẽ tự khô dần và rụng đi trong khoảng 10 – 21 ngày.

Bạn sẽ được các bác sĩ hướng dẫn vệ sinh vùng rốn để ngăn ngừa nhiễm trùng cho đến khi cuống rốn khô và rụng. Không được nhúng toàn bộ rốn của bé xuống nước tắm khi rốn của bé chưa rụng. Dây rốn sẽ thay đổi từ màu vàng sang màu nâu và màu đen. Nếu vùng rốn của bé bị đỏ, có mùi hôi, có nhiều dịch tiết quanh chân rốn thì bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ.

Thoát vị rốn là tình trạng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, một phần nhỏ ruột của bé bị lồi, nhô qua một lỗ trên bụng. Thoát vị rốn không gây nguy hiểm cho bé và có thể được can thiệp bằng phẫu thuật. Có một biện pháp dân gian được nhiều người áp dụng như lấy đồng xu đặt lên vị trí của rốn, dùng băng rốn cố định đồng xu.

Bộ phận sinh dục

Tại sao cơ quan sinh dục của cả bé trai lẫn bé gái đều to lên bất thường? Điều này do nhiều yếu tố như việc tiếp xúc giữa bào thai với các hormone của mẹ, các mô sinh dục bị thâm tím và sưng phồng do chấn thương khi sinh, quá trình phát triển tự nhiên của cơ quan sinh dục ngoài.

1. Ở bé gái

Môi lớn có thể phồng to lúc chào đời. Lớp da ở môi âm hộ có thể trơn láng hoặc nhăn nheo. Đôi khi giữa vùng môi âm hộ của bé phình ra một mẩu mô nhỏ màu hồng, đây là mô màng trinh dư thừa, nó sẽ thụt vào trong môi âm hộ khi cơ quan sinh dục của bé phát triển.

Do ảnh hưởng của hormone của mẹ trong khi mang thai, bé sẽ tiết dịch âm đạo hoặc ra máu trong vài ngày. Đây gọi là kinh nguyệt giả, một triệu chứng hoàn toàn bình thường ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân là do sau khi sinh, nồng độ nội tiết tố giảm đột ngột làm bong nội mạc tử cung. Tình trạng này không kéo dài lâu, chỉ vài ngày là hết.

2. Ở bé trai

Tràn dịch màng tinh (Hydrocele)

Bìu (túi da nằm dưới dương vật và bao quanh tinh hoàn) thường bị sưng phồng. Nguyên nhân của tình trạng này thường là do tràn dịch màng tinh hoàn. Tình trạng này xảy ra khi ổ bụng và bìu không được đóng kín hoàn toàn. Dịch từ ổ bụng sẽ đi vào túi bao tinh hoàn tạo nên một khối lớn. Tình trạng này sẽ biến mất sau 3 – 6 tháng. Nếu kéo dài hơn, bạn nên đưa bé đến bác sĩ khám. Ngoài ra, bìu sưng còn có thể là do thoát vị bẹn, một triệu chứng cần phải được phẫu thuật.

Tinh hoàn của bé trai thường khó thấy khi bìu phình to. Khi bị chạm hoặc tiếp xúc với môi trường bên ngoài, bé sẽ cảm thấy khó chịu. Bé trai thường trải qua các cơn co cứng dương vật thường xuyên, đặc biệt là khi đi tiểu.

Hơn 95% trẻ sơ sinh đi tiểu trong vòng 24 giờ đầu tiên. Nếu bạn không thấy bé đi tiểu thì có khả năng bé đã tiểu tiện khi chào đời. Đôi khi, lần đi tiểu đầu tiên của bé ít được chú ý đến.

Bao quy đầu

Bạn chỉ cần dùng nước để rửa sạch bã smegma (quá trình bong tế bào da từ da dương vật và lớp trong của bao quy đầu). Đừng tìm cách tuột mạnh bao quy đầu về phía bụng.

Quá trình tách bao quy đầu và quy đầu đòi hỏi thời gian, bạn không nên thúc ép. Khi nào bao quy đầu có thể lộn được? Điều này tùy thuộc vào bé. Có thể là từ khi bé mới sinh, nhưng điều này rất hiếm, có thể mất vài ngày, vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí là vài năm.

Da

Khi sinh ra, bé được bao phủ bởi rất nhiều loại chất lỏng khác nhau nhưng chủ yếu là nước ối và máu của mẹ. Y tá sẽ lau khô bé để tránh tình trạng cơ thể bé giảm nhiệt độ khi hơi ẩm trên da bốc hơi nhanh.

Trẻ sơ sinh thường được bao bọc bởi một lớp sáp màu trắng gọi là bã nhờn thai nhi. Chất sáp này sẽ được rửa sạch khi bé được tắm lần đầu tiên.

Màu da của bé có thể khiến bạn bất ngờ. Da của bé bị chấm lốm đốm đồi mồi, nhiều vùng tái nhợt và đỏ vì hệ tuần hoàn máu ở bề mặt da của bé chưa ổn định bình thường. Tương tự, chứng tê và sưng tím đầu chi, da tay, chân và vùng da môi cũng thường thấy, nhất là khi trẻ ở môi trường mát lạnh.

Khi khóc hoặc đi tiêu, da của bé có thể chuyển thành màu đỏ tía hoặc xanh tía. Các vết đỏ, vết trầy xước, thâm tím và đốm xuất huyết cũng thường thấy trên mặt da và nhiều bộ phận khác trên cơ thể. Các hiện tượng này là do chấn thương đè ép qua đường sinh hoặc do áp lực của những chiếc kẹp sản khoa sử dụng để hỗ trợ sinh đẻ. Chúng sẽ lành và biến mất vài tuần sau đó.

Những sợi lông mềm, mịn được gọi là lông tơ cũng xuất hiện trên mặt, tai và lưng của trẻ sơ sinh. Phần lớn lông này thường rụng từ trong tử cung trước khi bé chào đời. Do đó, lớp lông tơ này thường được nhìn thấy ở bé sinh non. Tuy nhiên, số lông này sẽ rụng hết trong vài tuần.

Lớp da trên cùng của bé sẽ bong tróc ra trong suốt 1 – 2 tuần đầu. Điều này cũng hoàn toàn bình thường và chẳng cần phải chăm sóc da đặc biệt gì cả. Hiện tượng bong tróc da có thể thấy ở một số trẻ sơ sinh, nhất là những bé sinh sau ngày dự sinh.

Bớt

Không phải bé nào sinh ra cũng có bớt. Tuy nhiên, đôi khi những vùng da màu hồng hoặc màu đỏ cũng được nhìn thấy và thường biến mất trong những năm đầu đời. Hầu hết các vết bớt thường xuất hiện ở sau cổ hoặc trên sống mũi, mí mắt, lông mày hoặc bất cứ chỗ nào trên da, đặc biệt là những bé có làn da trắng.

  • Vết bớt màu xám đen hoặc xanh lam giống như vết mực xuất hiện trên lưng, mông hoặc bất cứ nơi nào trên da. Các vết bớt này hầu như biến mất trong vài năm.
  • U máu dâu tây hoặc u máu mao mạch là những vết đỏ gây ra bởi nhiều mạch máu tập trung dưới da. Các vết bớt này có thể nhạt màu khi sinh, sau đó lan rộng, co lại và biến mất trong vòng 6 năm đầu.
  • Bớt rượu vang là những vết bớt to, phẳng, màu đỏ tía và không tự hết được.
  • Bớt màu cà phê sữa thường xuất hiện trên da của một số bé. Những vết bớt này cũng có thể đậm màu hơn khi bé lớn lên. Người ta thường không quan tâm đến chúng trừ khi các vết bớt này lớn lên và có từ 6 bớt trở lên, bởi đây có thể là dấu hiệu của một chứng bệnh nào đó.
  • Các nốt ruồi nâu hoặc đen thường thấy có tên gọi là bớt sắc tố, cũng có thể xuất hiện sau khi sinh hoặc khi bé lớn lên. Các nốt ruồi lớn hoặc những nốt ruồi có vẻ ngoài dị thường nên được bác sĩ khám và điều trị bởi một số cũng cần được tẩy đi.

Chứng phát ban

Một vài chứng phát ban không nguy hại trên da, có thể xuất hiện khi sinh hoặc trong vài tuần đầu tiên. Trên mũi, cằm xuất hiện những đốm nhỏ li ti, phẳng, màu vàng hoặc trắng, gọi là mụn đầu trắng và sẽ biến mất trong vài tuần đầu tiên.

Rôm sảy: Những vết sưng nhỏ, đỏ, lồi thường có “đầu” trắng hoặc vàng, đôi khi được gọi là mụn trứng cá sơ sinh. Mặc dù rôm sảy thường xuất hiện trên mặt nhưng cũng có thể xuất hiện ở những vùng da khác trên cơ thể. Tuy nhiên, bệnh này không gây nguy hiểm và sẽ hết sau một vài tuần chăm sóc.

Ban đỏ nhiễm độc: Tên nghe có vẻ đáng sợ nhưng thực tế bệnh này không hề gây nguy hiểm cho bé. Triệu chứng chủ yếu của ban đỏ nhiễm độc là xuất hiện nhiều vết đỏ có chỗ sưng lồi màu xanh xám hoặc vàng nhạt ở giữa, làm cho đốm giống hình tổ ong. Bệnh này thường phát triển dữ dội trong một hai ngày đầu sau sinh và biến mất trong vòng một tuần.

Mụn mủ tăng sắc tố lành tính là chứng phát ban ở trẻ sơ sinh, đặc trưng bởi các chỗ sưng lồi hoặc các vết rộp màu nâu đậm nằm rải rác ở cổ, lưng, cánh tay, chân và lòng bàn chân. Bênh này thường tự khỏi mà không cần điều trị. Ngoài ra, đừng ngạc nhiên khi trẻ sơ sinh bị rộp ngón tay vì thai nhi vẫn có thể ngậm ngón tay khi ở trong bụng mẹ.

Bệnh vàng da sơ sinh là căn bệnh làm cho màu da và tròng trắng của bé chuyển sang hơi vàng. Đây là một chứng bệnh phổ biến và thường xuất hiện vào ngày thứ 2 – 3 sau khi sinh và tự hết trong vòng 1 – 2 tuần. Chứng vàng da gây ra bởi sự tích tụ bilirubin (một sắc tố màu vàng cam, một sản phẩm chất thải do sự phân hủy bình thường của hồng cầu) trong máu. Gan của bé tạm thời chưa phát triển hoàn thiện. Do đó, đây là một cách để đẩy các chất này ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả. Bệnh vàng da khá phổ biến nhưng nếu bé bị vàng da sớm hơn dự đoán hoặc sắc tố da của bé vàng hơn bình thường thì bác sĩ sẽ phải theo dõi bé cẩn thận.

Làm quen với bé cưng của bạn

Những ngày và tuần đầu tiên trong đời là khoảng thời gian diệu kỳ và vui sướng của hầu hết bố mẹ. Tuy nhiên, việc chịu trách nhiệm chăm sóc một sinh linh bé bỏng này đôi khi rất khó khăn, nhất là khi bạn chưa hiểu được về hành vi của bé như thế nào.

Nếu cảm thấy lo lắng hoặc có bất cứ nghi ngờ gì về cách chăm sóc bé thì bạn không nên chần chừ tham khảo ý kiến bác sĩ, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, các gia đình hoặc bạn bè đã có kinh nghiệm trong việc chăm sóc bé.

Đánh giá:
Đang tải ...

Bài viết liên quan

Làm sao để phòng ngừa bệnh giang mai cho chị em?

(95)
Các triệu chứng giang mai khi được phát hiện sớm có thể được điều trị dễ dàng qua từng giai đoạn. Tuy vậy, nếu để chậm trễ sẽ gây nhiều biến ... [xem thêm]

Loại sản phẩm thay thế nicotine nào thích hợp với bạn?

(79)
Liệu pháp thay thế nicotine (NRT) có thể giúp giảm các triệu chứng cai nghiện khó khăn và sự thèm muốn mà 70% đến 90% người hút thuốc cho là lý do duy nhất ... [xem thêm]

Ngủ chảy nước miếng là bệnh gì? Làm sao để hết?

(29)
Mỗi khi thức dậy, bạn có thể thấy nước miếng dính ở các vùng gối, tai hay bên má. Ngủ chảy nước miếng (còn gọi là ngủ bị chảy dãi) làm không ít ... [xem thêm]

Khi nào có thể cho trẻ sơ sinh uống nước?

(61)
Các chuyên gia tin rằng khoảng thời gian tốt nhất cho bé uống nước là sau khi bé được 6 tháng tuổi. Bạn đừng lo rằng bé sẽ bị thiếu nước khi thời tiết ... [xem thêm]
Đang tải ...

10 cách tiết kiệm thời gian giúp bạn tăng chất lượng sống

(38)
Người ta thường nói rằng: “Thời gian là vàng là bạc”, song không phải ai cũng có thể tận dụng thời gian một cách hiệu quả. Vậy bạn nên làm gì để sử ... [xem thêm]

Bố mẹ hãy dành thời gian cho con để trẻ khỏe mạnh hơn

(92)
Cuộc sống hiện đại đồng nghĩa với nhu cầu về mọi thứ càng tăng lên và để đáp ứng nhu cầu đó con người càng phải lao động nhiều hơn. Ngoài thời ... [xem thêm]

Khi nào tôi bắt đầu phát triển?

(81)
Rất nhiều trẻ nam và nữ lo lắng về việc khi nào thì cơ thể chúng sẽ phát triển. Con trai sẽ tự hỏi khi nào giọng của chúng sẽ trầm hơn, khi nào chúng ... [xem thêm]

3 bí quyết ngăn ngừa stress cuối năm để phòng tránh đột quỵ

(15)
Kiểm soát stress luôn là mục tiêu hàng đầu trong việc phòng tránh đột quỵ, đặc biệt là trong khoảng thời gian cuối năm. Thời điểm này là một trong những ... [xem thêm]
Đang tải ...

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN

Đang tải ...